Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

NHẬN THỨC VỀ MÔ HÌNH KINH TẾ CỦA NƯỚC TA HIỆN NAY

Từ Đại hội IX của Đảng năm 2011, Đảng ta đã xác định mô hình kinh tế tổng quát của nước ta là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - một mô hình kinh tế chưa từng có trong tiền lệ, đã trở thành một thách thức lý luận và thực tiễn đối với Đảng ta. Từ đó đến nay, vấn đề nội hàm khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn được các đại hội chú trọng đề cập, giải quyết và đã từng bước được bổ sung làm rõ. Đại hội XII của Đảng trên cơ sở kế thừa nhận thức của các đại hội trước, đã có những bổ sung đáng kể với sự hiện diện khá toàn diện và cụ thể các thành tố cấu thành nền kinh tế, thể hiện bước tiến trong nhận thức lý luận của Đảng về mô hình kinh tế Việt Nam, đó là: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bố theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thể hiện như trên đã khái quát được những vấn đề cơ bản về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, về kinh tế thị trường, thể hiện ở bốn điểm: Vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Về định hướng xã hội chủ nghĩa, thống nhất ở bốn điểm: Có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Về vai trò của Nhà nước, thống nhất ở bốn điểm: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý nền kinh tế thị trường; các nguồn lực nhà nước được Nhà nước phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp cơ chế thị trường; Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; Nhà nước sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển.
Về mục tiêu: Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường; bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Điểm mấu chốt thể hiện nét mới trong nhận thức của Đại hội XII về nội hàm khái niệm nền kinh tế của nước ta nêu trên là, ngoài việc bổ sung, cụ thể hóa các thành tố cấu thành nền kinh tế, là việc nhấn mạnh, làm rõ vai trò của Nhà nước, của cơ chế thị trường, của các thành phần kinh tế trong quá trình vận hành, điều tiết nền kinh tế. Đại hội XII khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời khẳng định sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Đây là những nhận thức mới của Đại hội XII góp phần giải quyết mối quan hệ giữa vai trò của Nhà nước và thị trường, giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước. Những nhận thức trên đây sẽ còn tiếp tục bổ sung và cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển, song nó có giá trị định hướng lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

2 nhận xét:

  1. Mô hình kinh tế của nơcs ta hiện nay rất hợp lý; nên nền kinh tế mới phát triển mạnh mẽ như vậy

    Trả lờiXóa