Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

NHẬN THỨC MỚI VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ LỢI ÍCH DÂN TỘC.

Qua các kỳ đại hội, đến Đại hội XII, nhận thức của Đảng về vấn đề lợi ích dân tộc đã đẩy lên một bước quan điểm đề cao lợi ích dân tộc chính đáng. Điều này được thể hiện ngay trong phần tổng kết các bài học kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới, lần đầu tiên Đảng ta đưa vấn đề "phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết" là một trong những bài học kinh nghiệm của Đảng. Đây có thể xem là bước đột phá trong nhận thức lý luận về đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng. Bởi lẽ, nếu nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trước năm 1986, không phải lúc nào vấn đề lợi ích dân tộc đặt lên trên hết và không phải lúc nào vấn đề lợi ích dân tộc cũng được hiểu một cách thấu đáo đến mức coi đó là một trong những bài học kinh nghiệm của Đảng. Ở Đại hội XII, vấn đề “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết” còn được khẳng định rõ và trở thành nguyên tắc trong phương châm chiến lược đối ngoại lâu dài và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội XII xác định rõ 4 quan điểm đối ngoại, trong đó quan điểm đầu tiên là: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Quan điểm trên đây của Đảng xuất phát từ những cơ sở nhận thức sâu sắc về nội dung, tính chất thời đại, về tình hình thế giới và khu vực, một lần nữa thể hiện rõ thái độ của Đảng, nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của vấn đề lợi ích dân tộc và việc xử lý nó trong mối quan hệ với thế giới. Trong khi khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận rõ tính chất phức tạp và rất lâu dài của quá trình chuyển biến xã hội, nên cần có nhận thức đúng, thấy rõ những động thái, đặc trưng, xu hướng và tính chất thời đại trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Về môi trường quốc tế, Đảng ta đã nhận rõ việc các nước không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, Đại hội XII xác định: Tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu. Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng. Ở đây có thể nhận thấy điểm khác biệt trong quan điểm của Đại hội XII về quan hệ quốc tế là không phân định cụ thể mối quan hệ với từng nước mà phân định mối quan hệ theo khu vực (láng giềng nói chung) hoặc phân định theo tính chất, cấp độ quan hệ (đối tác lớn, quan trọng).
Với cách nhìn nhận này, không chỉ một lần nữa Đại hội XII của Đảng đã khẳng định tính đúng đắn và sự trung thành của Đảng với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, mà còn thể hiện sự chính xác trong tư duy của Đảng về vấn đề dân tộc và quốc tế, dân tộc và giai cấp trong bối cảnh thế giới phức tạp khôn lường hiện nay. Trong lịch sử Đảng ta, không phải lúc nào Đảng ta cũng có được những nhận thức hoàn toàn đúng đắn và xử lý đúng mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích bộ phận, giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế.

2 nhận xét: