Những kỳ đại hội toàn quốc gần đây, Đảng
thẳng thắn bắt bệnh thực trạng “chạy chức, chạy quyền” và đề ra nhiều giải pháp
quyết liệt chấn chỉnh. Nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và
khóa XII, việc xử lý và ngăn chặn tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, bổ nhiệm
người nhà, người thân càng được tiến hành quyết liệt, hiệu quả hơn. Bằng chứng
là hàng loạt các vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra và làm rõ, xử
lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm họ hàng, người thân và ban
phát chức quyền ở hàng chục địa phương và nhiều ban, bộ, ngành Trung ương.
Thế nhưng, kết quả xem ra chưa được như mong
muốn. Trên thực tế, vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn diễn ra âm thầm, phức
tạp, tinh vi. Hơn thế, bản thân chức quyền có sự cám dỗ rất lớn. Chiếc ghế
quyền lực hấp dẫn bằng các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Những kẻ hám quyền sẵn
sàng dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, sẵn sàng làm những việc
trái luân thường đạo lý và lương tâm dù phải đánh đổi bằng nhân cách, uy
tín.
Bệnh “chạy” không chỉ là bạn đồng hành của
tham nhũng quyền lực mà còn làm biến tướng, tầm thường hóa công tác tổ chức cán
bộ của Đảng, vô hiệu hóa vai trò tổ chức Đảng cũng như nguyên tắc tập trung dân
chủ của Đảng. Nó lũng đoạn, mua chuộc, tha hóa người đứng đầu. Nó thiêu đốt,
giết chết niềm tin, cơ hội phấn đấu, tiến bộ của những cán bộ chân chính. Nó
làm mất niềm tin vào tổ chức Đảng, vào “cái gốc của công việc”.
Với những kẻ “chạy” thành công, từ việc leo
lên đỉnh cao quyền lực quá dễ dàng, họ không có được đức, tài cần thiết nên dễ
lộng quyền, coi thường tổ chức, coi thường cấp ủy, coi thường nhân dân, cơ
quan, đồng nghiệp. Từ đó, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc Đảng; làm cho
tổ chức Đảng yếu kém, mất sức chiến đấu, hình thành những “ông giời con” ở cơ
sở, tự kiêu, tự đại, tự mãn. Nó cũng là nguyên nhân làm nảy sinh “tự diễn biến”
ở nhiều đối tượng trong Đảng. Một bộ phận tự đắc, ỷ lại, trịch thượng, phát
triển đột biến mà không cần phấn đấu, cố gắng; bộ phận còn lại (số đông), xuất
hiện tư tưởng chán nản, nhụt ý chí phấn đấu, thiếu niềm tin vào tổ chức Đảng.
Theo nhiều cựu chiến binh, một trong những nguyên nhân dẫn
đến sự sa ngã, vi phạm của cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là
lên đỉnh cao quyền lực quá nhanh, dẫn tới tự cao, tự đại, thiếu ý thức tu
dưỡng, rèn luyện, tích lũy những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo, của
công bộc của dân.
“Chạy chức, chạy quyền” dẫn đến tha hóa quyền
lực trong mỗi cá nhân và xa hơn là sự tha hóa đối với cả tổ chức Đảng và hệ
thống chính trị. Chúng ta cần nghiên cứu bài học đau xót khi Liên Xô sụp đổ.
Trong tác phẩm “Bí ẩn diệt vong của Liên Xô-Lịch sử những âm mưu và phản bội
1945-1991”, tác giả A.Seviakin cho rằng, sai lầm về công tác cán bộ thực chất
là xóa nhòa ý thức hệ tư tưởng, tạo ra cuộc “diễn biến hòa bình” ngay trong
lòng xã hội Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô là đòn đánh gục chế độ XHCN. Họ đã
tạo ra một lớp lãnh đạo cấp cao là những người “tắm” trong xa hoa nhung lụa
trong khi không ít người dân Liên Xô còn khó khăn. Có lúc, con cái tầng
lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được
vào học tại những trường đại học uy tín nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận
vào các ban, ngành quan trọng, nhanh chóng được nắm giữ những cương vị quan
trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành “lá bùa hộ mệnh” để cán bộ lãnh
đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở.
Nội dung bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaCần phải xử lý thật nghiêm khắc tất cả các trường hợp coi thường pháp luật
Trả lờiXóa