Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt là một
nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; nguồn
gốc chủ yếu quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt
Nam. Sự ra đời, phát triển, trưởng thành của hệ thống chính trị các cấp trong
quân đội gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Mục đích Đảng tổ chức ra hệ thống cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính
trị các cấp nhằm phát huy vai trò trong triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực,
hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần giữ vững, tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Đảng luôn nắm vững Quân đội
trong mọi tình huống; xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ
chức, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt 75 năm qua, hệ
thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp luôn lấy việc củng
cố, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng
sản Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam là mục tiêu cơ bản quan trọng hàng
đầu. Cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp đã góp phần khẳng định
Đảng là linh hồn của quân đội, xây dựng quân đội phải lấy chính trị làm gốc,
quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc vô dụng lại có hại, góp phần
bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác đảng, công
tác chính trị đã trở thành linh hồn và mạch sống của Quân đội.
Ngay từ những năm đầu
kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan chính trị các cấp đã nghiên cứu, tham
mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Trung ương Đảng ban hành cơ
chế Đảng lãnh đạo Quân đội, thiết lập hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội.
Chính vì vậy, ngay trong các lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên (Tự vệ công
nông, Du kích cứu quốc) đã từng bước hình thành các chi bộ đảng, chính trị ủy
viên đại biểu đảng và thiết lập bộ máy tiến hành công tác đảng, công tác chính
trị. Từ sau Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ Nhất (tháng 02 năm 1947),
hệ thống cơ quan chính trị đã được tổ chức từ toàn quân đến cơ sở. Theo đó,
toàn quân có cục chính trị, cấp quân khu có phòng chính trị, cấp trung đoàn có
ban chính trị, cấp tiểu đoàn có cán bộ chính trị và cấp đại đội có ban công tác
chính trị. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên các cấp được củng cố, kiện toàn, có
bước trưởng thành về nhiều mặt và các chế độ công tác đảng, công tác chính trị
được tiến hành có nền nếp.
Cuối năm 1948, cơ quan
chính trị các cấp, đứng đầu là Tổng cục Chính trị đã nghiên cứu, đề xuất Ban
thường vụ Trung ương Đảng ban hành nghị quyết 38/NQ/TW, ngày 24-10-1948 “về tổ
chức và hệ thống đảng trong Quân đội”. Theo đó, Đảng lãnh đạo Quân đội thông
qua hệ thống chính ủy trong Quân đội, thực hiện chế độ chính ủy tối hậu quyết định,
bỏ hệ thống tổ chức đảng trong quân đội từ Trung ương Quân ủy đến tiểu đoàn ủy.
Từ năm 1952, Quân đội ta có sự phát triển về mọi mặt, phạm vi, quy mô tác chiến
mở rộng cả về lực lượng và không gian, chế độ “chính ủy tối hậu quyết định” đã
bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được bổ sung, kiện toàn. Để tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Tổng cục Chính trị đã nghiên cứu, đề xuất với
Trung ương Quân ủy tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ban
hành Nghị quyết 07/NQ-TW, ngày 20-5-1952 “về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực”,
thực hiện chế độ tập thể đảng ủy lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, chính
trị phân công thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ. Cơ chế lãnh đạo của Đảng
theo Nghị quyết 07/NQ-TW được thực hiện từ trong kháng chiến chống thực dân
Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ đầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc,
làm nhiệm vụ quốc tế. Nhờ đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được giữ vững
và tăng cường - nhân tố quyết định sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Do điều kiện lịch sử cụ
thể, ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị (khóa V) ban hành nghị quyết 07/NQ-TW về “Việc
đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt
Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong Quân đội”.
Sau hơn hai năm thực hiện, Tổng cục Chính trị phát hiện thấy một số khiếm khuyết
cần khắc phục ngay và tham mưu với Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ban
hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 04-7-1985 “Về việc tiếp tục kiện toàn cơ chế
lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”.
Thông qua việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức đảng các cấp trong Quân đội,
bảo đảm cho nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt
được giữ vững và tăng cường; cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp
được kiện toàn và phát triển; hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị có nhiều
chuyển biến tiến bộ. Qua gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW (1985-2005),
Tổng cục Chính trị đã phát hiện những hạn chế, bất cập cần khắc phục, nhất là
việc xác định và thực hiện chức danh phó chỉ huy về chính trị trong chế độ một
người chỉ huy. Trước yêu cầu giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục Chính
trị đã đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) tham
mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 51-NQ/TW, ngày 20-7-2005, “Về việc tiếp
tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn
với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt
Nam”. Qua hơn 14 năm thực hiện, Nghị quyết 51-NQ/TW đã chứng minh sự đúng đắn của
việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho
Đảng luôn giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân
đội trong mọi tình huống.
Suốt 75 năm qua, cơ
chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được bổ
sung, hoàn thiện đã góp phần giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng
trong mọi giai đoạn lịch sử. Đó là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng
của Quân đội ta, bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công
nhân, tính nhân dân, tính dân tộc, thực sự là quân đội của dân, do dân, vì dân,
lập nhiều chiến công hiển hách, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng là Quân
đội anh hùng của dân tộc anh hùng.
Nội dung bài viết rất hữu ích, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaSự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta
Trả lờiXóa