Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

          Nhằm đẩy mạnh thực hiện đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT), phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của sức mạnh khối đại đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đại hội XII của Đảng đã kế thừa những nhiệm vụ, giải pháp của Đại hội XI, đồng thời bổ sung thêm những điểm mới như sau:
         Một là, tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về ĐĐKTDT; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội.
           Hai là, trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
          Ba là, tiếp tục khẳng định đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối ĐĐKTDT. Các cấp ủy đảng và chính quyền có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.
           Bốn là, từ đánh giá khách quan đặc điểm cơ cấu xã hội, mối tương quan và vai trò vị trí của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của các thành phần xã hội, các tổ chức đoàn thể, Đảng xác định ĐĐKTDT trên nền tảng liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo trong điều kiện lịch sử mới, có cơ chế chính sách phù hợp huy động mọi tiềm năng, nguồn lực của toàn dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
          Đại hội XII nhấn mạnh việc phát huy sức mạnh ĐĐKTDT thông qua đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhà nước đối với các giai tầng trong xã hội, các dân tộc, tôn giáo. Có cơ chế, chính sách cụ thể đối với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các dân tộc, tôn giáo, đồng bào định cư ở nước ngoài. Tiếp tục tăng cường, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm nâng cao vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong tập hợp, phát huy sức mạnh ĐĐKTDT.
Năm là, đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta, Văn kiện Đại hội XII có bổ sung, phát triển những nội dung mới, khẳng định tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Chống kỳ thị dân tộc, chia rẽ dân tộc, tôn giáo; nghiêm trị những âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
          Như vậy, quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT trong văn kiện Đại hội XII đã có sự bổ sung, phát triển mới với nhiều luận điểm quan trọng, thể hiện sự phát triển về lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

1 nhận xét: