Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

CHÍNH SÁCH ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ BIẾN ĐỔI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Mấy thập kỷ qua, công tác định canh định cư (ĐCĐC) ở vùng Khơ mú và Hmông ở nước ta tập trung vào thành lập các làng định cư tập trung như một chiến lược để ổn định sản xuất, sinh hoạt  và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Trên cơ sở đó, một hệ thống kinh tế mới (canh tác ruộng nước, thâm canh nương rẫy, làm vườn, chăn nuôi, kinh tế hàng hóa…) được đưa vào đời sống tộc người cùng với chính sách giao đất giao rừng (bắt đầu từ cuối những năm 1980) nhằm thực hiện ĐCĐC, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống người dân. Đồng thời, Nhà nước quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục, y tế và an sinh xã hội để tạo điều kiện cho đồng bào ổn định cuộc sống.
Từ những cư dân nương rẫy truyền thống, chương trình ĐCĐC bắt đầu mở ra hình thức canh tác lúa nước mới mẻ trong văn hóa sản xuất của người Khơ mú và Hmông kể từ những năm 1960. Kết quả điều tra cho thấy, đồng bào Hmông đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới và tích lũy được kinh nghiệm thâm canh lúa nước. Người Khơ mú thích ứng một cách khó khăn với sản xuất lúa nước. Bà con vẫn đang lúng túng trong quy trình và kỹ thuật canh tác.
Canh tác nương rẫy vẫn là nguồn sống chính của người Khơ mú và người Hmông ở miền núi nước ta. ĐCĐC và chính sách giao đất giao rừng đã làm thay đổi phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền của họ. Đồng bào chuyển sang canh tác luân canh và thâm canh nương rẫy trên địa bàn được giao. So với người Khơ mú, người Hmông tỏ ra nhạy bén và thích ứng nhanh hơn với nền kinh tế thị trường khi chủ động đưa vào sản xuất trên nương rẫy nhiều loại hoa màu, cây ăn quả và rau xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì vậy, nguồn thu từ nương rẫy của người Hmông đa dạng hơn và có giá trị kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, từ khi ĐCĐC, do nỗ lực vận động của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các chương trình dự án, làm vườn và thâm canh vườn đã mở ra đối với người Khơ mú và Hmông. Các hoạt động sống dựa vào rừng của người Khơ mú và người Hmông đã thay đổi từ khi ĐCĐC. Diện tích và chất lượng rừng suy giảm làm cho các hình thức sống dựa vào rừng của đồng bào ngày càng khó khăn. Dù vậy, các hình thức sống dựa vào rừng của người Khơ mú vẫn chiếm vị trí quan trọng trong sinh kế so với người Hmông bởi có tới 98% số hộ điều tra người Khơ mú vẫn duy trì hoạt động hái lượm từ rừng trong khi ở người Hmông là 47%.
Trong chăn nuôi, chính quyền địa phương xác định đây là ngành kinh tế quan trọng để ổn định và cải thiện cuộc sống của người dân khi ĐCĐC. Đồng bào được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại. Nhưng người  Hmông tiếp cận kỹ thuật mới nhanh và hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với người Khơ mú. Trong khi đó, đồng bào Khơ mú vẫn chăn nuôi theo phương thức bán tự nhiên, thả rông gia súc.
Đối với các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, hiện các hộ người Khơ mú hầu như không có thu nhập từ nghề thủ công thì nhiều hộ Hmông có thu nhập đáng kể từ các nghề thủ công. Số hộ Hmông có đi làm thuê chiếm 24% số hộ điều tra. Điểm khác biệt so với người Khơ mú ở chỗ, người Hmông đi làm thuê có lựa chọn hình thức công việc và mức độ thu nhập. Mặt khác, từ khi đất nước đổi mới, nền kinh tế thị trường từng bước thâm nhập vào đời sống của đồng bào Khơ mú và có bước phát triển ở vùng Hmông. Người Khơ mú bắt đầu làm quen với phương thức mua bán sử dụng tiền mặt và mua bán ở các chợ. Đồng bào Hmông đã có sự hội nhập và thích ứng nhanh hơn với cơ chế thị trường. Một mặt, bà con chủ động mở rộng nuôi trồng những cây con có giá trị kinh tế để phát huy được thế mạnh của họ và đáp ứng nhu cầu thị trường như các loại rau, quả, chuối, gừng, lợn đen, gà đen. Mặt khác, họ tham gia tích cực vào buôn bán, lưu thông hàng hóa. Nhờ đó, đời sống của một bộ phận hộ gia đình Hmông được cải thiện lớn.

Nhìn chung, đời sống kinh tế và sinh kế của người Khơ mú và Hmông trong quá trình ĐCĐC đã có những thay đổi cơ bản nhưng ở các mức độ khác nhau. Một hệ thống kinh tế mới được đưa vào đời sống tộc người để tạo lập cuộc sống ĐCĐC, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. So với người Khơ mú, người Hmông đã thích ứng và hội nhập nhanh hơn với các hoạt động kinh tế mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét