Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN


Tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam của dân, do dân, vì dân là sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Tư tưởng này có nội dung rộng lớn, xuyên suốt, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự nói riêng, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam nói chung. Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội của dân, do dân, vì dân là tư tưởng về tính nhân nhân của quân đội kiểu mới ở Việt Nam. Trong tư tưởng của Người, tính nhân dân của quân đội không tách rời mà có quan hệ biện chứng, thống nhất với tính dân tộc và bản chất giai cấp công nhân của nó.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội của dân, do dân, vì dân được hình thành từ sớm, gắn liền với tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng năm 1930 do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã chỉ rõ nhiệm vụ "Tổ chức ra quân đội công nông". Quân đội đó bao gồm lực lượng của toàn dân mà nòng cốt là công nhân, nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh để thực hiện mục tiêu là "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Đến những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, Người dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng, trong tổ chức và hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân "phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch sẽ không thể nào tiêu diệt được" Có thể nói, quan điểm về "dân, nhân dân - toàn dân" của Hồ Chí Minh đã được thể hiện rất sâu sắc trong lĩnh vực quân sự của cách mạng Việt Nam mà trực tiếp là trong tổ chức xây dựng và hoạt động của quân đội ta ngay từ khi được thành lập.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét