Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

NHẬN DIỆN CÁC LUẬN ĐIỆU CHỐNG PHÁ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Hiện nay, các phần tử cơ hội, xét lại và cực đoan đang ráo riết tung ra đủ các luận điệu nhằm bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để đấu tranh vô hiệu hóa các quan điểm sai trái, thù địch, trước hết chúng ta cần nhận diện các loại quan điểm sai trái đó, cần nắm vững một số luận điểm chủ yếu mà các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền hiện nay, đó là:
Trước hết, chúng tìm cách chia rẽ và đối lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Quan điểm này đem quy chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, đối lập với tư tưởng "đoàn kết và thống nhất của học thuyết Hồ Chí Minh". Chúng cho rằng, do du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam nên dẫn đến sai lầm lịch sử là diễn ra hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hậu quả của hai cuộc kháng chiến đó làm cho đất nước bị kiệt quệ về kinh tế, tổn thất về con người và làm cho đất nước nghèo nàn kéo dài. Hoặc, chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc; lý luận Mác - Lênin chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp, còn tư tưởng Hồ Chí Minh giải quyết đấu tranh dân tộc thuần túy nên nó đối lập nhau và không phù hợp với Việt Nam.
Thứ hai, chúng tìm cách phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về hình thái kinh tế - xã hội, coi đây chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng không bao giờ thực hiện được; sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu là một tất yếu được dự báo trước; chủ nghĩa xã hội chỉ là một dạng xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân - xã hội tạo điều kiện cho những tư sản đỏ nắm quyền lãnh đạo xã hội nên bên ngoài thì đỏ nhưng bên trong đã đổi màu theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Chúng cho rằng, lựa chọn con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là vừa trái quy luật, là sai lầm nên đất nước chậm phát triển.
Thứ ba, chúng ra sức xuyên tạc sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Chúng cho rằng, giai cấp công nhân Việt Nam là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao, lại được “đào luyện trong một môi trường đấu tranh giai cấp”, cho nên giỏi lắm cũng chỉ có thể lật đổ chế độ cũ, chứ không thể lãnh đạo toàn dân xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển. Họ lập luận rằng, nếu như giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực hiện vai trò lịch sử của mình? Đảng Cộng sản Việt Nam không thể gọi là đảng của giai cấp công nhân được, vì nó có số lượng rất ít công nhân là đảng viên nên mang đậm bản chất giai cấp nông dân, chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa phong kiến. Với những điều kiện như vậy, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam không thể lãnh đạo, xây dựng được chủ nghĩa xã hội đích thực ở Việt Nam.
Thứ tư, chúng phủ nhận về mô hình, mục tiêu phát triển đất nước ở Việt Nam hiện nay. Chúng cho rằng, nước ta nên theo chủ nghĩa xã hội dân chủ; định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, sẽ bị cô lập trên trường quốc tế, nên gác định hướng xã hội chủ nghĩa lại. Bên cạnh đó, chúng ra sức công kích, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa. Và cho rằng, “đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào xu thế thời đại hiện nay là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, nếu sớm thức tỉnh lại thì sẽ đến đích nhanh hơn, nếu không, thì tất yếu cũng đi theo con đường sụp đổ như ở Liên Xô (cũ) và ở một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Thứ năm, chúng ra sức phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bôi nhọ lãnh đạo. Chúng cho rằng Đảng có nhiều sai lầm trong quá khứ, cho dù trong quá khứ có làm nhiều thành tích thì đến thời đại mới đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Phản bác quan điểm, cương lĩnh của Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, các thế lực thù địch đòi "từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản vì đó là then chốt của chế độ dân chủ...
Trước tình hình đó, cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay sẽ còn diễn ra rất phức tạp, lâu dài và luôn có những biến thái mới với nhiều luận điểm đúng sai, trắng đen lẫn lộn, lôi kéo nhiều lực lượng tham gia nên khó nhận biết để vô hiệu hóa những quan điểm sai trái kịp thời. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ lịch sử quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là phải thực hiện cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giai cấp, bảo vệ hệ tư tưởng của giai cấp công nhân thế giới trong giai đoạn cách mạng mới. Cho nên, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của giai cấp công nhân Việt Nam thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng xã hội nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét