Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY

Ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm lớn đến chính sách xã hội nhằm nâng cao quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội - một mục tiêu và nội dung của cách mạng XHCN. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Đại hội VI của Đảng (1986) trong khi đề ra đường lối đổi mới toàn diện để phát triển đất nước đã đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của chính sách xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, coi chính sách xã hội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết Đại hội VI khẳng định: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc… Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm khóa XI của Đảng Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã khẳng định: Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu và động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển, đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ.
Chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới tập trung vào năm lĩnh vực sau: giải quyết việc làm cho người lao động; xoá đói, giảm nghèo; thực hiện chính sách ưu đãi người có công; chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chính sách an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, duy trì mức thu nhập đủ sống khi gặp rủi ro, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo và hoà nhập xã hội nhóm yếu thế).
Tại Đại hội XII, quan điểm về quản lý phát triển xã hội, chính sách xã hội được Đảng ta nhấn mạnh, có sự bổ sung và phát triển mới, trở thành một nội dung lớn trong Báo cáo chính trị tại đại hội (Mục VIII). Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: “Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của phát triển xã hội bền vững và quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những bức xúc, mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trong xã hội. Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hoá giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững. Thực hiện các giải pháp, chính sách và quản lý để khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển đối với từng lĩnh vực, từng vùng, bảo đảm sự hài hoà cả trong phát triển, hưởng thụ; bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý. Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông. Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện. Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét