Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

QUAN NIỆM VỀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HIỆN NAY

Vấn đề xã hội bao gồm tất cả những gì liên quan đến cuộc sống của con người, kể cả thường xuyên và bất thường (thiên tai, dịch bệnh...) trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên, những nảy sinh trong quá trình phát triển của xã hội (việc làm, thu nhập, điều kiện sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe, môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, nhân văn; khả năng hòa nhập, nâng cao mức sống và chất lượng sống của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng xã hội) theo các tiêu chuẩn khách quan của tiến bộ xã hội.
Việc giải quyết các vấn đề xã hội thuộc chức năng xã hội của các nhà nước thông qua các chính sách xã hội, đặt ra đối với bất kỳ một thể chế nhà nước nào. Đó là quá trình tổ chức, tác động có mục đích của nhà nước và các chủ thể khác trong xã hội đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của xã hội liên quan đến cuộc sống của con người nhằm bảo đảm sự ổn định, an toàn và phát triển của con người, quyền tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội và an sinh xã hội, công bằng; quyền được sống trong môi trường sống an toàn, lành mạnh, nhân văn; cơ hội hòa nhập phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng, xã hội theo các tiêu chuẩn khách quan của văn minh, tiến bộ xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội.
Theo đó, chính sách xã hội là một hệ thống những quan điểm, chủ trương, phương hướng, biện pháp của nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội khác để giải quyết những vấn đề xã hội nhằm bảo đảm sự an toàn và phát triển xã hội. Đây là bộ phận cấu thành chính sách chung của một chính đảng hay chính quyền nhà nước hướng tới lĩnh vực xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống con người, nhu cầu lợi ích của các nhóm người, các tầng lớp xã hội, các giai cấp, các dân tộc, đồng thời góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với bản chất giai cấp, và những mục tiêu của chính đảng hay của chính quyền đó. Phạm vi chính sách xã hội phải giải quyết bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc...
Chính sách xã hội gồm ba bộ phần cơ bản là: 1) Các chính sách thúc đẩy phát triển xã hội của nhà nước; 2) Các chính sách của các bộ, ngành chức năng liên quan có mục tiêu nâng cao năng lực của con người (vốn con người) và môi trường hoạt động của con người (chính sách lao động, việc làm, y tế, giáo dục, phát triển doanh nghiệp, hạ tầng cơ sở...); 3) Chính sách an sinh xã hội nhằm sự bảo đảm an toàn thu nhập ở mức tối thiểu thông qua hệ thống các chính sách can thiệp nhằm quản lý rủi ro tốt hơn (bao gồm các rủi ro liên quan đến nhu cầu cơ bản nhất của con người: rủi ro về sức khỏe, thiếu hoặc mất việc làm, tuổi già, trẻ em, tàn tật…) dẫn đến không có thu nhập tạm thời hoặc vĩnh viễn so với mức tối thiểu đủ sống (được luật hóa hoặc quy định). Chính sách an sinh xã hội là các chính sách do nhà nước tổ chức thực hiện là chính, ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng và thị trường trong việc tổ chức thực hiện và cung cấp dịch vụ an sinh xã hội. Hướng đến mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm cho mọi thành viên được bình đẳng về tiếp cận và chất lượng dịch vụ, tuy nhiên, nhấn mạnh đến nhóm đối tượng yếu thế (lý do chính để có sự tham gia của nhà nước).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét