Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

CHÍNH SÁCH ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ NƯỚC TA

Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chính sách định canh định cư đối với các dân tộc thiểu số du canh ở miền núi - một trong những quyết sách nhằm chống lại đói nghèo và phát triển các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chính sách định canh định cư thời kỳ Đổi mới đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, văn hóa, xã hội của các tộc người có lối sống du canh như người Khơ mú và người Hmông.
Trước thời kỳ Đổi mới, công tác định canh định cư chủ yếu là tuyên truyền vận động nhân dân định canh định cư kết hợp với hợp tác hóa nông nghiệp trên cơ sở có sự hỗ trợ nhỏ của Nhà nước. Do điều kiện đất nước khó khăn, những hỗ trợ nhỏ này đã không thực sự tạo ra cơ sở vững chắc cho định canh định cư. Chủ trương, chính sách định canh định cư của Đảng và Nhà nước đã có sự đổi mới bắt đầu từ năm 1989 trở đi. Từ đây, theo Quyết định số 72/HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, phương hướng và cách thức tiến hành công tác định canh định cư là: Tập trung đầu tư có trọng điểm, tạo địa bàn sinh sống ổn định cho đồng bào; đẩy mạnh thâm canh nương rẫy, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào miền núi; phát triển kinh tế hộ gia đình, giao đất, giao rừng cho hộ; bố trí quy hoạch dân cư trên cơ sở tự nguyện; đổi mới các chính sách kinh tế - xã hội để định canh định cư vững chắc; chú trọng phát huy nội lực địa phương và trong nhân dân. Định canh định cư gắn liền với bảo vệ rừng và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội; tập trung vào định canh định cư tại chỗ kết hợp với xây dựng cơ sở kinh tế mới; thay đổi cơ cấu ngành nghề. Đầu tư cho định canh định cư phải dứt điểm hoàn thành theo từng dự án; sử dụng nguồn vốn tổng hợp trên địa bàn cho định canh định cư theo cơ chế nhà nước cấp vốn ngân sách theo dự án. Đổi mới công tác quản lý định canh định cư từ trung ương đến huyện theo hướng gọn nhẹ, đủ năng lực (Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, 2000, tr. 546 - 547).
Công tác định canh định cư trong thời kỳ mới được tiến hành theo hình thức dự án phát triển thay vì chủ yếu tuyên truyền vận động. Trong giai đoạn này, nhà nước đã có điều kiện bố trí ngân sách cho định canh định cư ngày càng tăng lên. Công tác định canh định cư được thực hiện theo chủ trương lồng ghép các dự án với nhiều chương trình, dự án kinh tế - xã hội khác theo các Nghị quyết, Quyết định quan trọng của Chính phủ như: Quyết định 69/1992 – CT của Hội đồng Bộ trưởng về chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng cao phía Bắc; Quyết định 656/1995/TTg về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên thời kỳ 1996 – 2000 và 2010; Quyết định 133/1998/QĐ – TTG về Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 1998 – 2000; Quyết định 661/1998/QĐ – TTG về kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng với nhiệm vụ định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, giao đất giao rừng; Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gọi là chương trình 135; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg về Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Quyết định 33/2007/QĐ/TTg Về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007- 2010 và Quyết định số 1342/2009/QĐ – TTg về kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư đến năm 2012; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP Về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo v.v…

Công tác định canh định cư thời kỳ Đổi mới đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở miền núi. Cơ cấu kinh tế vùng định canh định cư từng bước chuyển dịch từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội cho định canh định cư được đẩy mạnh ở miền núi. Ý thức về cuộc sống định canh định cư để phát triển kinh tế xã hội trở nên phổ biến trong nhân dân. Mô hình thành lập các làng định cư tập trung được thực hiện như một chiến lược chủ đạo. Trên cơ sở đó, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện các chính sách về kinh tế, phát triển văn hóa, đầu tư hạ tầng, dịch vụ xã hội (giáo dục, y tế, tín dụng…) nhằm ổn định và cải thiện mọi mặt đời sống của đồng bào, bảo vệ rừng và bảo đảm quốc phòng an ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét