Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) là truyền thống quý báu của dân tộc ta và của Đảng ta. Việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh ĐĐKTDT là một nội dung quan trọng xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Quan điểm, đường lối phát huy sức mạnh ĐĐKTDT của Đảng ta, trước hết là sự kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Các quan điểm về đoàn kết, về liên minh giai cấp, các vấn đề chiến lược, sách lược cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở  để Đảng ta vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Nhờ phát huy sức mạnh ĐĐKTDT, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Với tinh thần thẳng thắn, đánh giá khách quan, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra những thành tựu, hạn chế đối với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong những năm qua; đồng thời, bổ sung và phát triển những nội dung mới về phát huy sức mạnh ĐĐKTDT sau 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Từ thực tiễn cách mạng, nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định một bài học quan trọng: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”[1]. Phát huy sức mạnh ĐĐKTDT tiếp tục là một thành tố quan trọng của chủ đề Đại hội XII, là nội dung xuyên suốt các văn kiện Đại hội, đồng thời được trình bày thành một nội dung lớn ở phần XII của Báo cáo chính trị trong văn kiện Đại hội. Sự phát triển mới này cho thấy, phát huy sức mạnh ĐĐKTDT là vấn đề trọng đại của cách mạng nước ta hiện nay. Chính vì vậy, Đảng ta đề ra một nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ Đại hội XII là “không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đồng thuận xã hội”[2].
Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp cách mạng nước ta đứng trước nhiều thời cơ, vận hội thuận lợi đan xen với nhiều nguy cơ, thách thức. Để đưa cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên vững chắc, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. So với Đại hội XI, quan điểm về ĐĐKTDT của Đảng đã có sự bổ sung, phát triển mới trong Văn kiện Đại hội XII, coi ĐĐKTDT không những là động lực mà còn là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là sự kế thừa vừa là sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thể hiện Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng chiến lược của phát huy sức mạnh ĐĐKTDT trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyển làm chủ của nhân dân đã được Báo cáo chính trị của Đại hội XII xác định trong mục tiêu tổng quát và là một trong 12 nhiệm vụ tổng quát thời gian tới. Đó là: “Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội”[4].  
Trước thực trạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân, văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh đến quan tâm khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[5]. Những nguồn lực đó trong mỗi con người Việt Nam, trong mỗi thành tố của quốc gia - dân tộc nếu phát huy sẽ trở thành sức mạnh nội lực to lớn.



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 69.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tr. 79
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tr. 36
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tr. 79
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, tr. 37

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét