Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở CÁC KHU KINH TẾ - QUỐC PHÒNG HIỆN NAY

          Hiện nay, trước những tiềm ẩn khá phức tạp về tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, vấn đề cốt yếu để góp phần ổn định lòng dân, bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững thế trận quốc phòng an ninh nói chung và ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số khu KT – QP nói riêng là phải tập trung chăm lo nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thực hiện thật tốt chính sách an sinh xã hội, gắn phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh. Từ thực tiễn quá trình thực hiện các dự án KT - QP ở vùng đồng bào dân tộc, có một số bài học kinh nghiệm được rút ra như sau:
         Một là, trong tiến hành công tác dân tộc nói chung và các dự án KT - QP nói riêng cần thực hiện “3 bám” (bám dân, bám địa bàn, bám đơn vị), “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) và “5 có” (có tình thương với dân, có kiến thức, có phương pháp, có trách nhiệm và có kỷ luật dân vận tốt). Đây là một bài học kinh nghiệm rất sáng tạo và phù hợp để hòa nhập, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc có hiệu quả. Trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo... chính quyền các cấp và các đơn vị quân đội cần nắm chắc đối tượng, sử dụng đa dạng các hình thức, biện pháp và lựa chọn nội dung để tuyên truyền phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức, phương tiện đơn giản với công nghệ hiện đại, giữa “nói” và “làm” để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. 
          Hai là, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn KT - QP và các lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng quân để nắm chắc tình hình an ninh chính trị địa bàn, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Các đoàn KT - QP kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để đấu tranh ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả các vụ việc nảy sinh  ngay từ cơ sở. Thực tiễn cho thấy, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh ở các bản cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con đã được các đội sản xuất nắm bắt nhanh nhạy và giải quyết kịp thời nên đã ngăn ngừa được một số vụ việc không tốt về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
          Ba là, trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc phải căn cứ vào thực tế từng địa bàn cụ thể để có nội dung, biện pháp tham mưu, phối hợp hoạt động cho phù hợp. Có những nơi chỉ cần trao đổi, hướng dẫn, nhưng có nơi phải “cầm tay, chỉ việc”, thực hiện mô hình trình diễn. Song dù ở đâu, cũng phải tránh tư tưởng bao biện, làm thay; phải coi trọng việc giúp đỡ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, đảng viên cho địa phương. 
          Bốn là, coi trọng công tác bồi dưỡng, lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện các dự án KT - QP cả về trình độ lý luận, năng lực tham mưu, kỹ năng công tác và phẩm chất cách mạng, bảo đảm cho họ phải thật sự đồng cam, cộng khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, thông hiểu tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của từng dân tộc. Các tổ đội công tác và các đoàn KT - QP cần hết sức tránh tình trạng đưa cán bộ có phẩm chất, năng lực yếu và không có uy tín về công tác tại các đội sản xuất. Đồng thời, Nhà nước và quân đội cần có chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, xã trọng điểm về quốc phòng an ninh, để mọi người an tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
          Như vậy, sau gần nhiều năm thực hiện các dự án KT - QP, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng biên ở các khu KT - QP đã có những thay đổi trên tất cả các lĩnh vực. Trong vùng dự án, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định và được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng về cơ bản. Mặc dù hiện tượng di cư tự do lẻ tẻ diễn ra nhưng nhìn chung, người dân đã định canh định cư ổn định. Những yếu tố mới của kinh tế hàng hóa từng bước thâm nhập vào đời sống sản xuất. Đồng thời, công tác quốc phòng an ninh trên địa bàn được bảo đảm. Rừng được bảo vệ thông qua trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng. Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được phục hồi, bảo tồn và phát triển. Đạt được kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của các đơn vị quân đội, trực tiếp là các Đoàn KT - QP. Bằng những hình thức hoạt động cụ thể, thiết thực, cán bộ chiến sĩ các Đoàn KT - QP đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước, với chính quyền các cấp; làm thất bại âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; củng cố thế trận quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét