Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng ta
và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo. Thực tiễn xây dựng, trưởng thành,
chiến thắng của quân đội ta trong 70 năm qua đã chứng minh: Sự lãnh đạo của
Đảng là nhân tố quyết định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân
tộc của quân đội.
Việc xác lập,
củng cố và không ngừng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là một bảo đảm cho Đảng nắm chắc quân đội trong mọi tình
huống, quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng
tổng hợp tốt và sức mạnh chiến đấu cao. Ngay từ khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập
(ngày 22/12/1944) - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng đã
lập ra chi bộ để lãnh đạo Đội và đặt chức danh chính trị viên bên cạnh đội
trưởng, đây là cơ chế lãnh đạo đầu tiên của Đảng đối với quân đội.
Trong
cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945 - 1954) dù hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi, Đảng ta luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo đối với sự
nghiệp kháng chiến, kiến quốc, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ tháng 4/1945 đến tháng 5/1946, Đảng thực
hiện chế độ chính trị uỷ viên ở các khu và liên khu; từ tháng 5/1946 đến tháng
9/1947, Đảng thực hiện chế độ chính trị viên bên cạnh người chỉ huy quân sự. Từ
tháng 10/1948, Đảng thực hiện chế độ chính trị uỷ viên đại diện Đảng (chế độ
chính uỷ tối hậu quyết định) từ cấp trung đoàn trở lên. Tuy nhiên, trong thực
tế “chế độ chính uỷ tối hậu quyết định” đã bộc lộ một số hạn chế, nên đến
9/1949 đã có những thay đổi, thực chất là trở lại mô hình đoàn trưởng, đội
trưởng - chính uỷ, chính trị viên.
Từ tháng 7/1952 đến
hết cuộc kháng chiến chống Pháp, trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
và cho đến tháng 12/1982, Đảng thực hiện cơ chế “Đảng uỷ lãnh đạo, thủ trưởng
quân chính phân công phụ trách”. Đánh giá cơ chế này, Đảng ta khẳng định: “Thực
tế xây dựng quân đội ta chứng tỏ chế độ Đảng uỷ lãnh đạo, thủ trưởng phân công
phụ trách là thích hợp nhất để quán triệt sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong
quân đội. Chế độ này đã thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức cơ bản là tập trung
dân chủ, nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ
trách. Nó tập trung quyền lãnh đạo vào tập thể, tập trung được trí tuệ của
nhiều người làm cho sự lãnh đạo được toàn diện, sát quần chúng, sát thực tế. Nó
kết hợp được chặt chẽ các mặt công tác của Đảng trong quân đội, bảo đảm vững
chắc sự thống nhất tư tưởng và hành động, nguồn gốc sức mạnh của Đảng.
Từ
tháng12/1982 đến tháng 7/1985, Đảng thực hiện chế độ một người chỉ huy theo
Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị khoá V; từ tháng 7/1985 đến tháng 7/2005, Đảng tiếp tục thực hiện chế độ một người
chỉ huy theo Nghị quyết 27/NQ-TW của Bộ Chính trị khoá V. Sau 23 năm thực hiện
chế độ một người chỉ huy đã bộc lộ những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến sự lãnh
đạo của Đảng đối với quân đội, vì vậy ngày 20/7/2005 Bộ Chính trị, khoá IX đã
ra Nghị quyết số 51/NQ-TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của
Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính
trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, nhằm “nâng cao chất lượng xây dựng
Quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác
chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt
của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư
tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung
thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống”.
Nhìn lại lịch sử hơn 70 năm qua, Đảng đã có nhiều lần bổ
sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Trong những lần ấy
có thể thấy chức trách, nhiệm vụ, vị trí, quyền hạn, các mối quan hệ của các tổ
chức, các bộ phận hợp thành cơ chế lãnh đạo của Đảng có thể thay đổi, nhưng mục
tiêu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc
của Đảng đối với quân đội trong mọi hoàn cảnh, tình huống là nguyên tắc nhất
quán, bất di bất dịch; bảo đảm cho quân đội phát triển, không ngừng lớn mạnh đủ
sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng xác định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét