Thực trạng đói
nghèo của người Khơ mú ở nước ta đã và đang là mối quan tâm của chính quyền địa
phương và nhiều nhà nghiên cứu. Nguyên nhân đói nghèo của nhóm cư dân này đã được
các khảo sát của chính quyền địa phương và một số nghiên cứu đưa ra theo thứ tự
là: Thiếu nhân lực lao động; thiếu vốn và đất sản xuất, đất đai đã bạc màu;
thiên tai dịch bệnh; chi phí học hành tốn kém; thiếu kiến thức sản xuất. Những
nguyên nhân này đối với người Khơ mú lại chưa đủ sức thuyết phục. Bởi tại sao
cùng là cư dân du canh, cùng chịu sự tác động của chính sách định canh định cư (ĐCĐC) trong điều kiện
tương tự nhưng đồng bào Khơ mú lại chìm trong đói nghèo, chậm hội nhập và thích
ứng.
Những phân tích
về đói nghèo của người Khơ mú thường tập trung vào những nguyên nhân chủ quan
có tính bề nổi của tộc người này như: Thiếu kinh nghiệm và vốn sản xuất; sản xuất
lạc hậu; điều kiện cư trú bất lợi; chi tiêu không có kế hoạch; tập quán sinh hoạt
lạc hậu; dân trí thấp; tỷ lệ sinh đẻ cao; tư tưởng bảo thủ, ỷ lại vào Nhà nước.
Ông Moong Văn Nghệ, một cán bộ lão thành người Khơ mú bổ sung thêm hai nguyên
nhân: Do tập quán sống phụ thuộc vào rừng và tư tưởng tự ti, bảo thủ níu kéo. Ý
kiến của ông chỉ đến nguyên nhân sâu xa của đói nghèo và chậm thích ứng của người
Khơ mú khi chuyển sang môi trường sống mới lại xuất phát từ chính truyền thống
văn hóa của tộc người này, từ bối cảnh lịch sử - xã hội đặc trưng của họ chi phối.
Chúng ta đều biết
rằng đồng bào Khơ mú vốn là những người con của núi rừng. Lịch sử tộc người của
họ gắn liền với hệ sinh thái nông nghiệp du canh đã thích ứng cao với vùng cảnh
quan nơi cư trú từ nhiều thế kỷ nay. Hệ thống kinh tế cổ truyền của họ, từ canh
tác nương rẫy đến săn bắn, hái lượm đều dựa vào rừng với một hệ thống tri thức
tộc người phong phú. Khi chuyển đổi có tính bước ngoặt sang cuộc sống ĐCĐC, nhất
là từ khi giao đất giao rừng, hệ thống kiến thức ấy đã không phát huy được tác
dụng và mai một dần. Hoạt động khai thác các nguồn lợi tự nhiên vốn là một phần
quan trọng trong sinh kế của họ giờ đây trở nên rất khó khăn do rừng bị thu hẹp
và có chủ quản lý.
Chính sách ĐCĐC
và quá trình thực hiện đã can thiệp và chuyển đổi lối sống của người Khơ mú từ
du canh sang ĐCĐC, làm thay đổi hoàn toàn phương thức sống của họ, từ đời sống
sinh hoạt cho đến sinh kế. Một hệ thống kinh tế mới được đưa vào đời sống tộc
người, buộc họ phải thay đổi lối sống và thế ứng xử với môi trường, phải chấp
nhận hệ thống kinh tế mới này. Người dân phải tiếp nhận ngay cái mới trong khi
ít kế thừa được các yếu tố văn hóa truyền thống. Vì thế, sự can thiệp của ĐCĐC
làm cho người Khơ mú thích ứng một cách khó khăn bởi những cái mới xa lạ với tập
quán cổ truyền. Ở đây, sự biến đổi văn hóa diễn ra có tính hụt hẫng và đứt đoạn
giữa truyền thống và hiện tại. Nhiều truyền thống tộc người trở thành những cản
trở biến đổi như: thói quen sống dựa vào rừng, “phương thức canh tác và tập
quán sinh hoạt lạc hậu”, v.v … Đặc điểm biến đổi văn hóa của người Khơ mú đang
diễn ra như Dennis O’Neil (2008) đã từng đề cập. Theo đó, khi một xã hội bất lực
để chống lại sự can thiệp văn hóa và áp lực mạnh mẽ để từ bỏ văn hoá truyền thống
thường có sự căng thẳng đáng kể. Cú sốc văn hóa xảy ra trong ứng phó với thực tế
mới và mất phương hướng từ sự thất bại của các kỹ năng truyền thống trong môi
trường sống thay đổi.
Mặt khác, hoàn cảnh
lịch sử tộc người đã hạn chế sự thích ứng và ảnh hưởng đến việc cải thiện đói
nghèo của người Khơ mú trong cuộc sống ĐCĐC. Thân phận lệ thuộc nặng nề vào người
Thái cùng với cuộc sống nghèo khổ dưới chế độ cũ làm cho họ dễ bị tổn thương, mặc
cảm và tự ti khi tiếp xúc tộc người. Trước đây, các thiết chế tộc người (hôn
nhân gia đình, dòng họ, làng bản) ở người Khơ mú còn nhiều dấu ấn của các xã hội
tiền giai cấp. Đồng bào cư trú rải rác thành từng bản trong các mường của người
Thái với thân phận “cuông, nhôốc”. Những điều đó đã cản trở họ khi hòa nhập với
cuộc sống mới và thiếu tự tin khi tham gia vào các chương trình dự án phát triển.
Sự thiếu bình đẳng trong quan hệ dân tộc và tâm trạng phụ thuộc trong đời sống
trước đây đã đeo bám họ. Cho nên, tình trạng làm thuê, vay nợ mang tính phụ thuộc
vẫn phổ biến trong cộng đồng người Khơ mú ở địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét