Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

HỘI NHẬP QUỐC TẾ LÀ XU THẾ KHÁCH QUAN CỦA VIỆT NAM

Trong bối cảnh của tình hình quốc tế hiện nay, không một quốc gia dân tộc nào trên thế giới (kể cả các nước giầu hay nước nghèo; nước lớn hay nước nhỏ, nước phát triển hay chậm phát triển; dù đó là các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau...) muốn hay không, vẫn phải chấp nhận và tham gia vào tiến trình hội nhập của nền kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam là một nước đang phát triển, chủ trương thực hiện một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta tiến hành hội nhập với khu vực và quốc tế là một tất yếu khách quan. Bởi xuất phát từ mấy lý do sau:
Thứ nhất, đây là một xu thế chung của nhân loại - xu thế của quá trình toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá đang và sẽ là một xu thế lớn tác động sâu sắc tới các lĩnh vực của đời sống quốc tế, nó đi sâu vào từng quốc gia và buộc các chủ thể này phải có những thay đổi về chiến lược, sách lược phát triển đất nước cho phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá đang ngày càng lan rộng. xét về bản chất, toàn cầu hoá là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới.
Bởi thực tế hiện nay sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, sự hình thành mạng Internet bao trùm toàn cầu, đã làm cho sức sản xuất hàng hóa có hàm lượng trí tuệ phát triển nhanh, mối liên hệ giữa các dân tộc, các quốc gia và khu vực ngày càng được tăng cường. Toàn cầu hoá đang là một xu thế khách quan tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, tới mọi chủ thể trong quan hệ quốc tế không phân biệt các nước có chế độ chính trị khác nhau. Toàn cầu hoá làm cho mối liên hệ và sự phụ thuộc vào nhau của các nền kinh tế tăng lên, đồng thời kéo theo hàng loạt các vấn đề chính trị xã hội. Vì thế, trong xu thế chung này, Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế chung đó.
 Thứ hai, xuất phát từ đặc điểm, điều kiện của nước ta, đi lên CNXH từ một nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Cùng với đó là những tâm lý, tư tưởng, thói quen, tập quán sản xuất nhỏ hàng ngàn năm đè nặng trong suy nghĩ và hành động, còn ăn sâu bám rễ trong mỗi người dân Việt Nam. Có thể nói, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội gặp muôn vàn khó khăn cùng những trở ngại. Cho nên, chúng ta tham gia hội nhập vào đời sống quốc tế và khu vực là điều tất yếu, là một trong những con đường để đưa đất nước vượt lên, thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu, là sự rút ngắn giai đoạn quá độ và khoảng cách chênh lệch giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Thứ ba, do yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công nghiệp hoá- hiện đại hoá là con đường duy nhất đưa nước ta thoát ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, là quá trình chúng ta xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Để đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH và hoàn thành mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiẹp theo hướng hiện đại” mà Đảng ta đã xác định thì chúng ta cần thiết phải thực hiện quá trình hội nhập, mở cửa với khu vực và quốc tế. Quá trình hội nhập sẽ mang lại cho chúng ta vốn, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ đặc biệt là các công nghệ hiện đại như: công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…và đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.
Với những lý do trên, có thể khẳng định rằng, Việt Nam tham gia hội nhập vào khu vực, quốc tế là tất yếu khách quan, là xu thế hợp quy luật, hợp với sự vận động của đời sống quốc tế hiện nay. Sự hội nhập này vừa là một xu thế không thể cưỡng lại nhưng cũng là nhu cầu phát triển nội tại của Việt Nam, là chính sách và cũng là chiến lược phát triển đất nước của chúng ta trong thế kỷ XXI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét