Văn hóa hiểu
theo nghĩa chung nhất là những giá trị được sáng tạo bởi con người, đáp ứng nhu
cầu về vật chất và tinh thần của con người. Nền văn hóa lại là một tập hợp các
thiết chế xã hội và một tập hợp cơ chế, phương tiện, cách thức được con người sử
dụng để sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Có những giá trị văn hóa
toàn nhân loại nhưng trước hết, văn hóa bao giờ cũng gắn với một dân tộc, là đặc
trưng nổi bật và bền vững của dân tộc. Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc,
là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi dân tộc.
Kế thừa quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về văn hóa, V.I.Lênin xem xét văn hóa
như một hệ thống giá trị vật chất và tinh thần gắn liền với sự tiến hóa của lịch
sử, sự phát triển chung của tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh lịch sử mới những
năm đầu thế kỷ XX và điều kiện cụ thể của nước Nga lúc bấy giờ, quan điểm của
V.I.Lênin về văn hóa được thể hiện sâu sắc, toàn diện trên nhiều phương diện vừa
có tính lịch sử, tính kế thừa, tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân loại.
Theo V.I.Lênin,
mỗi dân tộc có một nền văn hóa đặc trưng, tạo nên cốt cách, bản sắc của dân tộc
đó. Văn hóa mang tính chất dân tộc, bởi xét cho cùng, văn hóa chưa bao giờ là vấn
đề tự thân. Văn hóa bao giờ cũng thuộc phạm trù song đề: văn hóa và kinh tế;
văn hóa và chính trị - tư tưởng; văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa và dân
tộc... Văn hóa dân tộc là một thuộc tính đặc trưng của văn hóa, phản ánh mối
quan hệ giữa văn hóa và dân tộc, thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc bao hàm trong
đó những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại đã được dân tộc hóa. V.I.Lênin khẳng
định: “Đối với người mácxít, vấn đề khẩu hiệu văn hóa dân tộc có một ý nghĩa to
lớn chẳng những vì nó xác định nội dung tư tưởng của toàn bộ công tác tuyên
truyền và cổ động của chúng ta về vấn đề dân tộc, mà còn vì toàn bộ các cương
lĩnh về tự trọng dân tộc, về văn hóa trứ danh đều dựa trên khẩu hiệu đó”.
Văn hóa, bản sắc
văn hóa là vấn đề cốt lõi của mọi dân tộc, liên quan trực tiếp đến tính đặc
thù, tính bền vững, tính đa dạng, phong phú về đời sống tinh thần xã hội của mỗi
dân tộc. Hơn thế nữa, văn hóa là một đặc trưng, tiêu chí để phân biệt dân tộc
này với dân tộc khác, là một nhân tố quy định đến sức mạnh nội sinh, sự trường
tồn và phát triển dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Nga, V.I.Lênin
kiên quyết chống lại những lời nói văn hóa trống rỗng theo kiểu vô chính phủ,
tách rời văn hóa với dân tộc. Người phê phán sâu sắc quan điểm văn hóa nằm
ngoài dân tộc, phê phán thuyết hư vô dân tộc. Bàn về thuộc tính dân tộc của văn
hóa, V.I.Lênin luôn gắn tổ quốc với hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội.
V.I.Lênin nhấn mạnh: “…là một nhân tố mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh giai cấp
của giai cấp vô sản... Giai cấp vô sản không thể có thái độ thờ ơ và lãnh đạm đối
với những điều kiện chính trị, xã hội và văn hóa của cuộc đấu tranh của mình,
do đó cũng không thể thờ ơ đối với vận mệnh của đất nước mình”.
V.I.Lênin khẳng
định trong mỗi quốc gia dân tộc, khi xã hội còn phân chia giai cấp thì văn hóa
mang tính giai cấp sâu sắc. Văn hóa phản ánh rõ nét cơ cấu xã hội giai cấp của
xã hội ở một thời kỳ lịch sử nhất định. Văn hóa trong xã hội có giai cấp bao giờ
cũng mang tính giai cấp. V.I.Lênin viết: “Mỗi nền văn hóa dân tộc đều có những
thành phần, thậm chí không phát triển, của một nền văn hóa dân chủ và xã hội chủ
nghĩa, vì trong mỗi dân tộc đều có quần chúng lao động và bị bóc lột mà điều kiện
sinh sống của họ nhất định phải sản sinh ra một hệ tư tưởng dân chủ và xã hội
chủ nghĩa”.
Về tính giai cấp
của các nền văn hóa, trong những năm trước Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin
đã nêu quan điểm về hai dòng văn hóa tồn tại trong lòng xã hội tư bản đó là văn
hóa tư sản của giai cấp tư sản thống trị và những yếu tố văn hóa dân chủ và xã
hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và quần chúng lao động bị áp bức. Người
nhiều lần nhấn mạnh rằng, mỗi một nền văn hóa đều có những yếu tố mặc dù không
phát triển một nền văn hóa dân chủ và xã hội chủ nghĩa nhưng trong mỗi dân tộc
cũng có một nền văn hóa của bọn phản động và thầy tu không phải dưới dạng chỉ
là những yếu tố, “mà phải dưới dạng một nền văn hóa thống trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét