Tiếng Việt là ngôn ngữ của
tộc người Việt (Kinh) - tộc người đa số ở Việt Nam, được dùng làm phương tiện
giao tiếp chung từ lâu trong lịch sử dân tộc. Đến nay, các nhà khoa học đã thống
nhất rằng: Tiếng Việt có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, chịu ảnh hưởng
sâu sắc của tiếng Thái về thanh điệu, ngữ pháp, và vay mượn khoảng 50% vốn từ
tiếng Hán, về sau còn chịu ảnh hưởng một phần tiếng Pháp, Nga, Anh.
Tiếng Việt bắt đầu hình
thành vào khoảng thiên niên kỷ thứ II
tr.CN, có nguồn gốc từ tiếng Môn - Khơme, gọi là tiếng Việt-Mường chung, lúc này tộc người Việt và Mường chưa phân
tách ra.
Đến
giai đoạn thế kỷ IV - II tr.CN, tiếng Việt-Mường tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của
nhóm ngôn ngữ Tày-Thái. Thời Bắc thuộc, tiếng Hán là ngôn ngữ hành chính, tiếng
Việt vẫn được người dân sử dụng rộng rãi, nhưng bộ phận cư dân đồng bằng đã
tiếp thu nhiều vốn từ tiếng Hán.
Thời kỳ độc lập tự chủ từ
giữa thế kỷ X trở đi, tiếng Việt tiếp tục phát triển, nhân dân ta tiếp thu chữ
Hán để sáng tạo ra chữ Nôm vào thế kỷ
XI. Đến đây, cư dân Việt-Mường phân tách ra thành hai tộc người. Tiếng Việt là
tiếng của tộc người Việt (Kinh). Chữ Hán và chữ Nôm cùng song hành tồn tại.
Thời Pháp thuộc, chữ Hán giảm sút, tiếng
Pháp được dùng làm ngôn ngữ hành chính, tiếng Việt bị chèn ép song vẫn tồn
tại và phát triển. Chữ quốc ngữ của
tiếng Việt bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XVII, là kết quả dùng chữ Latinh và hệ
dấu của tiếng Bồ Đào Nha để phiên âm tiếng Việt.
Từ đầu thế kỷ XX đến năm
1945, chữ quốc ngữ đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Sau Cách mạng Tháng
Tám 1945, tiếng Việt trở thành quốc
ngữ, sánh vai với ngôn ngữ các quốc gia khác; là tiếng phổ thông của cả nước,
công cụ giao tiếp chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Các
đặc điểm của tiếng Việt:
Thường xuyên tiếp xúc, tiếp
thu các yếu tố của ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam và tiếng Hán, tiếng Pháp, Nga, Anh để làm giàu thêm tiếng Việt; làm cho sự giao lưu giữa người Việt với các tộc người
khác trên lãnh thổ ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau. Chính vì sự
giao tiếp thường nhật mà tiếng Việt đã sớm trở thành ngôn ngữ chung của cả nước.
Tiếng Việt luôn phát triển,
bổ sung vốn từ để đáp ứng mọi phương diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội, khoa học, kỹ thuật, giáo dục.
Có tính thống nhất cao, không kỳ thị phương ngữ. Bên cạnh các
quy tắc chuẩn sử dụng tiếng nói và chữ viết tiếng Việt, ở các địa phương vẫn
tồn tại các yếu tố riêng có tính địa phương về âm điệu, một số từ vị...
Tiếng Việt rất giàu sức
sống, dù bị tiếng Hán, tiếng Pháp chèn ép trong hàng trăm năm nhưng không mất đi, trái lại đã tiếp thu và làm phong phú thêm để dần dần đấu tranh
giành lại vị trí quốc ngữ của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét