Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN HIỆN NAY

Hiện nay, mặc dù thế giới có nhiều thay đổi, tiềm ẩn những bất trắc, khó lường, nhưng những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân sống mãi
Giai cấp công nhân đã, đang biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu cả số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, nhưng địa vị kinh tế - xã hội của họ không hề thay đổi. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, sự hiện diện ngày càng lớn của kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, quốc tế hóa... đã làm thay đổi sâu sắc các yếu tố nội tại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Giai cấp công nhân tăng nhanh về số lượng: Nếu vào cuối thế kỷ XIX số lượng công nhân trên thế gới chỉ có khoảng trên 10 triệu thì đến đầu thế kỷ XX là 119 triệu, đến cuối thế kỷ XX đã tăng lên đến trên 660 triệu và đến năm 2003 số lượng GCCN khoảng trên 800 triệu, đến nay số lượng công nhân chắc chắn cao hơn thế. Kết cấu giai cấp công nhân cũng có những biến động: tỷ trọng công nhân trong tổng số lao động chung của xã hội tăng lên; cơ cấu trong giai cấp công nhân có thay đổi, tỷ lệ công nhân trong ngành dịch vụ, công nghệ cao ở Mỹ hơn 71%, Nhật hơn 59%, Đức hơn 58%, Anh hơn 69%, Pháp hơn 66%.
Chủ nghĩa tư bản vẫn còn khả năng phát triển nhưng những mâu thuẫn cơ bản vốn có không những không được khắc phục mà còn tăng lên, chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị thay thế bằng CNXH, chủ nghĩa cộng sản. Các mâu thuẫn cơ bản trong chủ nghĩa tư bản biểu hiện dưới những hình thức và mức độ khác nhau vẫn tồn tại và phát triển. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, giai cấp tư sản với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chủ nghĩa đế quốc với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa đế quốc với những nước phụ thuộc ngày càng tăng lên. Đặc biệt, sự tích tụ tư bản với một khối lượng khổng lồ đang ngày càng tập trung vào tay một số ít các nhà tư sản, là điều kiện cho phép các nhóm tư bản và cá nhân thu được lợi nhuận kếch sù. Ở nhiều nước tư bản, bình quân tỷ suất chiếm đoạt lợi nhuận là 300%, cá biệt có những nơi lên tới 700% - 800%. Ở Mỹ, 1% người giàu nhất đã làm chủ 40% tài sản, trong khi 80% người dân ở mức thấp nhất làm chủ chỉ có 7% tài sản nước Mỹ. Năm 2011, tại Liên minh châu Âu có 120 triệu người sống trong cảnh nghèo đói. Tổ chức phi chính phủ Oxfam có trụ sở tại Anh, ngày 12 tháng 9 năm 2013 cảnh báo, tới năm 2015, sẽ có thêm 25 triệu người châu Âu rơi vào cảnh đói nghèo. Thực chất sự phát triển của chủ nghĩa tư bản những năm qua chỉ hướng tới phục vụ cho một bộ phận giàu có nhất. Chính điều đó đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gây gắt, làm bùng phát nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của giai cấp công nhân và người lao động chống lại giới chủ tư sản với quy mô rộng khắp. Khởi nguồn là từ “phố Wall” - trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất nước Mỹ (nổ ra vào ngày 14 tháng 9 năm 2012), sau đó, lan rộng ra hàng chục thành phố của Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu để phản đối các biện pháp khắc khổ và tỉ lệ thất nghiệp, đói nghèo đang ngày càng gia tăng. Sự phản kháng xã hội mạnh mẽ càng làm bộc lộ bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Khẩu hiệu “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản. Sự thật này một lần nữa chứng minh tính chất phản tiến bộ, phản nhân văn và không bền vững của chủ nghĩa tư bản. Đúng như Mác đã từng nói, chủ nghĩa tư bản đang huỷ hoại chính ngay những nhân tố làm nên sự giàu có của nó là lao độngtài nguyên.
Mặc dù, hiện nay ở nhiều nước tư bản phát triển, đời sống của giai cấp công nhân và người lao động đã được cải thiện, một bộ phận công nhân đã là chủ nhân của một số lượng cổ phiếu nhất định trong công ty và trở thành tầng lớp trung lưu trong xã hội. Đó là kết quả của các cuộc đấu tranh quyết liệt liên tục, bền bỉ của chính bản thân giai cấp công nhân và người lao động chống lại sự quản lý hà khắc và sự áp bức, bóc lột của giới chủ trong suốt nhiều thế kỷ. Nhưng so với tỷ suất bóc lột và những món lợi nhuận kếch xù mà giai cấp tư sản có được thì sự điều chỉnh về chế độ phúc lợi xã hội, an sinh xã hội tiến bộ cho công nhân và người lao động cũng vô cùng nhỏ bé, chỉ tựa như giọt nước trong đại dương lợi nhuận mà nhà tư bản thu được. Suy cho cùng những điều chỉnh của giới chủ theo hướng thỏa mãn ngày càng nhiều hơn những đòi hỏi chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động cũng trước hết là vì lợi ích của chính giai cấp tư sản. Sự điều chỉnh, thích nghi chỉ làm dịu đi những mâu thuẫn xã hội, chứ không làm thay đổi bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, được biểu hiện ở mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản vẫn tồn tại và ngày càng gay gắt, tất yếu chế độ tư bản chủ nghĩa sẽ bị CNXH, CNCS thay thế trong tương lai.
Hiện nay, các nước XHCN còn lại không những không bị sụp đổ mà còn đổi mới, cải cách thành công và tiếp tục vững bước đi lên CNXH. Thành công của công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam, cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính sách “cập nhật hoá mô hình kinh tế” ở CuBa,... đã đưa các nước này không chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, mà còn tạo được những bước đột phá phát triển, là những bằng chứng rõ ràng về sự phục hồi của CNXH.
Đồng thời, sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào cánh tả ở nhiều nước Mỹ Latinh trong gần hai thập niên qua là bằng chứng sống động về sự bền bỉ của lý tưởng XHCN. Rõ ràng, mặc dù con đường đi lên CNXH đã và đang trải qua những khó khăn, thử thách, nhưng “theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”. Chủ nghĩa xã hội là hiện thực sinh động, tương lai tươi sáng của nhân loại tiến bộ đang nỗ lực hướng tới...
Trung thành với học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn kiên định với con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nên đã lập nên những kỳ tích vẻ vang. Hiện nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét