- Các tộc người có trình độ phát triển kinh tế không đồng
đều.
Nhóm tộc người thiểu số còn bảo lưu yếu tố kinh tế nguyên thủy, cư
trú ở miền núi vùng cao, vùng sâu, vùng xa; gồm những tộc người nói ngôn ngữ
Môn - Khơme ở Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Trường Sơn - Tây Nguyên; nhóm Hmông -
Dao, Hán - Tạng ở vùng núi phía Bắc. Hoạt động kinh tế của nhóm này cơ bản là
sản xuất nương rẫy du canh; công cụ sản xuất khá thô sơ, năng suất thấp. Săn
bắn hái lượm đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống kinh tế.
Nhóm tộc người cư trú lâu đời ở chân núi, thung lũng như Tày, Nùng, Thái, Mường...; canh tác lúa
nước là chính, kết hợp với sản xuất nương rẫy; sản xuất và sinh hoạt định canh
định cư, trình độ thâm canh của khá cao, canh tác bằng sức kéo; trao đổi thương
mại diễn ra trong cộng đồng và khu vực.
Nhóm các tộc người là cư dân ở đồng bằng như Việt, Chăm, Khơme, Hoa, có nền văn minh
lúa nước lâu đời, kỹ thuật thâm canh cao, kinh nghiệm sản xuất phong phú. Các
hoạt động chăn nuôi, thủ công, trao đổi thương mại đều sớm phát triển hơn; đời
sống kinh tế đa dạng về cơ cấu ngành nghề, vật nuôi cây trồng.
- Kinh tế truyền thống tộc người mang nặng tính tự cung,
tự cấp của nền kinh tế tự nhiên.
Các tộc người sản xuất chủ
yếu để đáp ứng nhu cầu tự túc lương thực, thực phẩm và phục vụ đời sống sinh
hoạt tại chỗ. Trong các hình thái kinh tế - xã hội tiền tư bản, trình độ sản
xuất lạc hậu, cơ sở hạ tầng kinh tế yếu kém nên đồng bào các dân tộc sản xuất
trước hết nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình, làng bản; tập trung vào sản xuất lương
thực, chủ yếu là lúa gạo, hoa màu như ngô, khoai, sắn, kê, rau, đậu… nhằm tự
túc lương thực, đảm bảo bữa ăn hàng ngày và một phần tích trữ.
Ở miền núi và vùng dân tộc, dù có giao thương
nhưng hoạt động kinh tế còn khép kín, mang tính nội bộ làng bản. Các sản phẩm
nông nghiệp của các dân tộc nghèo nàn và chất lượng thấp. Giao thông đi lại khó
khăn đã hạn chế việc trao đổi và giao lưu kinh tế. Ở miền xuôi, giao lưu kinh
tế đã vượt ra ngoài quy mô làng xã, song cũng chỉ ở mức độ nhất định.
- Kinh tế các tộc người dựa trên nền tảng nông nghiệp
nhiệt đới gió mùa.
Các tộc người sống trên lãnh thổ nước ta đều cùng
chung hệ sinh thái nhiệt đới, đời sống kinh tế dựa trên nền tảng nông nghiệp
nhiệt đới gió mùa, trồng trọt là chính, chăn nuôi là nghề phụ; hái lượm nổi
trội hơn so với săn bắn, đánh cá. Mỗi tộc người đã tích lũy được những tri thức
sản xuất nông nghiệp thích hợp với điều kiện tự nhiên khu vực nhiệt đới gió mùa.
Có nhiều cây trồng, vật nuôi chính giống nhau, kinh nghiệm sản xuất khá tương
đồng; lúa là cây trồng chủ đạo. Đồng bào miền núi thường canh tác lúa nương,
sáng tạo ra nền văn hóa nương rẫy. Các tộc người ở vùng chân núi và đồng bằng
có nền nông nghiệp lúa nước, văn hóa lúa nước phát triển.
- Đời sống kinh tế mang bản sắc văn hóa tộc người độc đáo.
Bản sắc văn hóa tộc người
trong đời sống kinh tế thể hiện đa dạng ở tất cả các hoạt động kinh tế của từng
tộc người từ phương thức canh tác, kỹ thuật, biện pháp sản xuất, tri thức, kinh
nghiệm, cách thức tổ chức sản xuất, công cụ sản xuất, giống cây trồng vật nuôi,
các sản phẩm làm ra… Các nghề và sản phẩm thủ công mang dấu ấn tộc người nổi
bật: nghề rèn của người Hmông, nghề dệt của người Thái, nghề đan lát của người
Khơ mú... Đời sống kinh tế tộc người còn phản ánh sắc thái tộc người trên các
lĩnh vực văn hóa; là nền tảng tồn tại và phát triển của tộc người, phản ánh
truyền thống tộc người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét