Muốn giữ được độc lập, tự cường về văn hóa, thì không thể không quan tâm
chăm lo xây dựng, nâng cao “sức mạnh nội sinh” của dân tộc. Nhìn lại chặng
đường hơn 30 năm đổi mới cho thấy, đất nước ta có những phát triển vượt bậc về
kinh tế, xã hội, song như Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng “Về xây dựng
và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
đất nước”, thẳng thắn chỉ ra, văn hóa chưa có chuyển biến rõ nét, trong khi
“Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với
thuần phong mỹ tục”, thì vẫn xảy ra “tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu
dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời
sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”.
Ví dụ, trong lĩnh vực điện ảnh, theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch), 8 năm qua (2010-2017), Việt Nam sản xuất và phát
hành 250 phim truyện nhựa. Trong khi đó, các rạp chiếu phim của ta đã nhập khẩu
và phát hành 1.101 phim nước ngoài. Như vậy, số phim nước ngoài trình chiếu tại
các rạp ở Việt Nam gấp 4,4 lần so với phim Việt Nam. Phim nội “lép vế” trước
phim ngoại từ nhiều năm nay trở thành nỗi quan ngại không riêng của những người
làm điện ảnh nước nhà. Cũng trong 8 năm qua, thống kê của Cục Hợp tác quốc tế
(Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, Việt Nam mới xuất khẩu được 469.163
đơn vị văn hóa phẩm (sách, ảnh, tạp chí, lịch, tranh, ảnh các loại, đĩa CD,
DVD…), nhưng đã phải nhập tới 3.916.237 đơn vị văn hóa phẩm từ nước ngoài, tức
là gấp hơn 8,3 lần.
Theo phân tích của một nhà nghiên cứu văn hóa, tỷ lệ nhập/xuất đơn vị văn
hóa phẩm rất chênh lệch này là một trong những nguy cơ khiến người Việt đang bị
“tiêu xài” quá nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài, từ đó dễ bị văn hóa ngoại lai
“len lỏi” vào suy nghĩ, tâm hồn người dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây là nguy cơ
không thể xem thường nếu thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà “sính” sản phẩm
văn hóa ngoại, nhớ làu làu tên phim ảnh ngoại, thuộc lòng tên diễn viên ngoại,
đam mê thái quá những lễ hội du nhập từ phương Tây mà lại thiếu cơ hội hay
không mặn mà thưởng thức những sản phẩm thấm đẫm hồn cốt Việt, thờ ơ với lịch
sử và danh nhân văn hóa Việt.
Vẫn biết nước ta đang phải
tập trung ưu tiên mọi nguồn cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội,
nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc
cũng như chưa chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa nội địa. Bởi vì
nếu không quan tâm đúng mức vấn đề này, chúng ta không chỉ dễ “mất gốc”, mà
cũng khó có cơ hội đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại bằng những tinh hoa
văn hóa Việt đã được bao thế hệ người Việt sáng tạo, vun đắp, kết tinh suốt
hàng nghìn năm qua. Chúng ta đừng bao giờ quên lời nhắc nhở của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp: Những yếu kém về công nghệ, Việt Nam sẽ học tập ở nước ngoài,
nhưng có hai điều căn bản mà Việt Nam phải luôn giữ vững là tinh thần độc lập
dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, vì đó là hai nhân tố cốt tử bảo đảm cho vị
thế, hình ảnh dân tộc Việt Nam tồn tại lâu bền trong lòng nhân loại. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét