Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

NHẬN THỨC MỚI VỀ NHÀ NƯỚC - XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

          Trong quá trình cải cách, đổi mới, vấn đề “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản là một nội dung nhận thức mới có tính phổ biến ở các nước XHCN. Về bản chất, đây là hình thức của nhà nước chuyên chính vô sản, với đặc trưng cơ bản là đề cao tính nghiêm minh của pháp luật trong quản lý xã hội. Ở Trung Quốc, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền được chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội lần thứ XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1997). Đại hội này chỉ rõ: Sự phát triển đi sâu cải cách thể chế kinh tế và công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa xuyên thế kỷ đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy tới cải cách thể chế chính trị…, mở rộng hơn nữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, quản lý đất nước bằng luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa [Đảng Cộng sản Trung Quốc (1998), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.55-56]. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng phát triển lý luận về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) tiếp tục khẳng định: “Cần phải kiên trì sự thống nhất giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và quản lý đất nước theo pháp luật… đẩy nhanh xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa” [Đảng Cộng sản Trung Quốc (2013), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.50]. Theo Đảng Cộng sản và các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Trung Quốc có những đặc trưng cơ bản: Pháp luật tối thượng - nguyên tắc lý luận của nhà nước pháp quyền; lập pháp dân chủ là nội dung chủ yếu của dân chủ, là phương diện quan trọng không thể thiếu của nhà nước pháp quyền; pháp luật hoàn chỉnh - điều kiện quan trọng của nhà nước pháp quyền; tư pháp công bằng - yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền; hạn chế quyền lực - tiêu chí quan trọng của nhà nước pháp quyền; bảo đảm lợi ích - giá trị pháp luật của nhà nước pháp quyền [Đỗ Tiến Sâm (chủ biên) (2008), Trung Quốc với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.41-51]. Hiện nay, trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung “kiện toàn chế độ tổ chức cơ quan quyền lực nhà nước”, thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước bằng pháp luật, coi “pháp trị là phương thức cơ bản quản lý đất nước và quản lý chính quyền”, muốn vậy, phải thúc đẩy lập pháp một cách khoa học, hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc… Đi sâu cải cách thể chế hành chính, xây dựng chính phủ theo mô hình “phục vụ với chức năng khoa học, kết cấu ưu hóa, trong sạch, hiệu quả cao và nhân dân hài lòng”. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống khống chế và giám sát vận hành quyền lực, kiên trì chế độ quản lý quyền lực, quản lý công việc và quản lý con người, bảo đảm nhân dân có 78 quyền được biết, quyền tham gia, quyền bày tỏ, quyền giám sát, là bảo đảm quan trọng vận hành quyền lực đúng đắn…
          Ở Việt Nam, tư tưởng về nhà nước pháp quyền thấm đẫm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình Người lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chính quyền non trẻ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, cụm từ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được sử dụng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994), trong đó, Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật” [Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Hà Nội, tr.56]. Tại Đại hội X của Đảng (2006), vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã trở thành một trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), khi nói về những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng đã khẳng định: “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo” [Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.70]. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới, Cương lĩnh đã nêu ra những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, đó là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; Tổ chức và hoạt động của bộ máy theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
          Ở Lào, xây dựng nhà nước pháp quyền cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: Tiếp tục hoàn thiện nhà nước dân chủ nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân phù hợp với sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục kiện toàn các cơ quan trong hệ thống chính quyền Nhà nước tinh gọn, vững mạnh hơn, xác định lại vai trò quản lý nhà nước cho phù hợp đi đôi với việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả và sự minh bạch trong việc quản lý hành chính Nhà nước [Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2011), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, bản dịch của Ban Đối ngoại Trung ương, tr.26]. Để từng bước hoàn thiện Nhà nước Dân chủ Nhân dân thành Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nêu ra phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời giai tới, đó là: Cần tăng cường pháp lý, đảm bảo tính hiệu lực của pháp luật trong việc quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội làm cho xã hội sinh sống dưới hiến pháp và pháp luật một cách nghiêm minh; Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của Quốc hội với tư cách là đại diện cơ quan quyền lực và lợi ích của nhân dân các bộ tộc, là cơ quan lập pháp có quyền quyết định các vấn đề quan trọng, cơ bản của đất nước, giám sát tối cao đối với các hoạt động của các cơ quan hành pháp và tư pháp được quy định trong Hiến pháp và Luật pháp. 80 Kiện toàn tổ chức bộ máy của Quốc hội mạnh mẽ hơn cho tương xứng với vị thế, chức năng của mình; Kiện toàn cơ quan hành pháp theo hướng tinh gọn, hợp lý và hiệu quả, tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức các bộ, cơ quan ở cấp Trung ương để có thể thực hiện chức năng một cách linh hoạt, kiện toàn bộ máy ở cấp địa phương mạnh mẽ hơn, có thể chủ động trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; Tòa án nhân dân và cơ quan kiểm sát cần tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức và nhân sự của mình vững mạnh, có hiệu quả, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
          Ở Cuba, mặc dù chưa đưa ra quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền, tuy nhiên, Đảng Cộng sản và Nhà nước Cuba luôn đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, xây dựng nhà nước phục vụ nhân dân, giải quyết tốt những chính sách xã hội, tạo sự công bằng, bình đẳng cho mọi người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét