Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN ĐẶT RA TRƯỚC CUỘC KHỦNG HOẢNG KINH TẾ THẾ GIỚI ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm đầu thế kỷ XXI đã tác động đến hầu khắp các nền kinh tế. Về lý luận có mấy vấn đề đáng quan tâm sau đây:
Thứ nhất, khủng hoảng chu kỳ là cơ cấu đồng hành với chủ nghĩa tư bản và đây là quy luật bất biến. Cuộc khủng hoảng lần này cũng không nằm ngoài quy luật đó, nó đánh dấu sự thất bại của lý thuyết chủ nghĩa tự do mới tuyệt đối hóa sức mạnh vạn năng của thị trường, song chắc rằng chưa phải là sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản nói chung và cơ chế thị trường nói riêng.
Kinh nghiệm cho thấy, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng những nhân tố, doanh nghiệp kém hiệu quả lại bị loại trừ; chủ nghĩa tư bản lại đổi mới cơ cấu và cơ chế, lấy lại sức bật mới. Đồng thời, sau mỗi cuộc khủng hoảng luận thuyết kinh tế cũ được điều chỉnh hoặc được thay bằng luận thuyết mới. Lần này người ta nói nhiều đến vai trò điều tiết của nhà nước và trên thực tế ở khắp mọi nơi nhà nước đều phải ra tay. Thực ra không phải ngày nay mà từ trước tới nay dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, dù tự do hay độc quyền, nhà nước vẫn điều tiết các hoạt động sản xuất – kinh doanh bằng cách này hay cách khác, thậm chí có khi, có nơi doanh nghiệp quốc doanh chiếm vị trí khá quan trọng, do đó không nên coi sự can thiệp của nhà nước chỉ là đặc trưng của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vấn đề chỉ là giai cấp nào là giai cấp thống trị nhà nước này hay nhà nước khác.
Thứ hai, liên quan tới vấn đề trên, một đề tài mang tính thời sự nữa là: xác định rõ chức năng của thị trường và của Nhà nước trong điều kiện nước ta đã chuyển sang thể chế kinh tế thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới; phương cách mà nhà nước điều tiết nên như thế nào trong hoàn cảnh đó? Dù sao đi nữa thì cũng không thể phó mặc hoàn toàn cho "bàn tay vô hình" của thị trường, mặt khác thật là sai lầm lớn nếu trở lại cơ chế hành chính mệnh lệnh, bao cấp, xin – cho, không đếm xỉa tới các quy luật khách quan của thị trường.

Thứ ba, khủng hoảng đồng hành với chủ nghĩa tư bản hay là quy luật của sản xuất hàng hóa? Các nước xã hội chủ nghĩa dưới thời kế hoạch hóa tập trung có tránh được khủng hoảng không? Các nước chủ trương cải cách và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa có bị khủng hoảng không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét