Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA MẠNG XÃ HỘI ĐỐI VỚI THẾ HỆ TRẺ

  Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về những tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội.
          Những tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội đối với thế hệ trẻ có thể diễn ra bất cứ lúc nào và tác động vào nhiều khía cạnh từ tâm lý, sức khỏe, đến lập trường, tư tưởng chính trị. Do vậy, Đoàn cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, tránh chủ quan, lơ là. Đồng thời, nêu cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch trên các blog cá nhân, các diễn đàn.
          Về nội dung, biện pháp giáo dục, tuyên truyền, Đoàn cần coi trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, đoàn thể trong phòng, chống. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh, góp phần hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ. Đoàn Thanh niên phải thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, phù hợp với tâm lí của tuổi trẻ như: thi tìm hiểu, diễn đàn thanh niên với những nội dung phong phú như: văn hóa sử dụng internet; văn hóa mạng; Thanh niên với tác động tiêu cực mạng xã hội để định hướng, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho thanh, thiếu niên.
     Hai là, Đoàn cần tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện hành vi sử dụng mạng xã hội cho thế hệ trẻ một cách khoa học, ứng xử có văn hóa.
     Đây là giải pháp quan trọng có tính thiết thực cao mà Đoàn cần phải chú trọng triển khai thực hiện. Bởi mạng xã hội chỉ thực sự trở thành một diễn đàn để thế hệ trẻ giải trí, kết bạn, tìm kiếm, chia sẻ thông tin bổ ích khi hầu hết các bạn trẻ có nhận thức đúng về nó, có cách ứng xử văn hóa. Hiện nay, có không ít bạn trẻ vẫn có suy nghĩ lệch lạc, thiếu văn hóa, coi mạng xã hội là nơi để có thể chút giận cá nhân, lăng mạ người khác, thậm chí còn tuyên truyền các văn hóa xấu độc,... ảnh hưởng không nhỏ tới đạo đức, lối sống của các bạn trẻ.
      Do đó, phải chú trọng bồi dưỡng, khắc phục những hạn chế thiếu sót của các bạn trẻ theo từng nhóm tuổi, thậm chí đến từng ngành nghề để hình thành ở họ thói quen sử dụng mạng tích cực, có kiến thức toàn diện, hiểu biết thực tiễn chính trị xã hội trong nước và thế giới; biết chia sẻ, làm chủ bản thân, biết kiềm chế trong mọi tình huống. Đối với từng độ tuổi, ngành nghề nhất định cần xác định nội dung bồi dưỡng đúng đắn, phù hợp để đạt hiệu quả cao.
          Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của thế hệ trẻ trong tự phòng, chống những tác động tiêu cực từ các trang mạng xã hội.
    Tự phòng, chống tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội đối với thế hệ trẻ thực chất là quá trình hoạt động có mục đích, có ý thức của họ, hướng vào nâng cao nhận thức, xây dựng và phát triển các kỹ năng “tự bảo vệ” trong khai thác, sử dụng mạng xã hội. Đó là quá trình tự tổ chức, tự điều chỉnh về nhận thức và hành vi nhằm loại bỏ những tác động tiêu cực của mạng xã hội, những yếu tố không phù hợp với yêu cầu của xã hội mới, với phẩm chất, đạo đức và lối sống của thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh.
      Do vậy, tổ chức đoàn các cấp cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng góp phần xây dựng thế hệ trẻ hiện nay có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; có khả năng “tự đề kháng” trước những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Đồng thời, bản thân từng bạn trẻ cần có kế hoạch sử dụng thời gian rảnh rỗi vào ngày nghỉ, giờ nghỉ một cách hợp lý để khai thác, sử dụng có hiệu quả mạng xã hội; đứng vững trên lập trường khi xem xét các nội dung, bình luận các sự kiện.
          Bốn là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế quản lý đối với việc sử dụng mạng xã hội ở nước ta.
          Hoàn thiện cơ chế quản lý sử dụng mạng xã hội ở nước ta có vai trò rất quan trọng, là cơ sở pháp lý để định hướng, hướng dẫn thế hệ trẻ sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật. Cơ chế quản lý càng minh bạch, cụ thể  thì việc thực thi của thế hệ trẻ càng có hiệu quả, đảm bảo vừa thỏa mãn được nhu cầu giải trí, học tập, chia sẻ thông tin vừa tránh được những tác động xấu từ các trang mạng xã hội tới thế hệ trẻ.
          Thực tế cho thấy, công tác quản lý mạng ở nước ta hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo. Các tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng mạng thoải mái cho các mục đích của mình kể cả tốt hoặc xấu mà không hề bị kiểm soát, chỉ đến khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra, các lực lực chức năng vào cuộc mới bị phát hiện. Các nước trên thế giới như Singapo, Hàn Quốc,... họ quản lý hệ thống mạng rất chặt chẽ, người dân tiếp cận được với mạng cũng không phải dễ dàng, chưa nói tới việc sử dụng mạng để thực hiện mục đích xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét