Trong những năm gần đây, những người
muốn phủ định học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội đã đưa ra một nhận
định là cách tiếp cận hình thái đã lạc hậu so với thời cuộc và họ muốn thay vào
đó cách tiếp cận bằng các nền văn minh. Họ cho rằng, dường như cách tiếp cận
hình thái chỉ nhấn mạnh yếu tố quan hệ sản xuất và vấn đề giai cấp, mà không
thấy biểu hiện phổ biến hơn, khái quát hơn, là nền văn minh.
Có thể nói một cách khách quan rằng,
phương pháp tiếp cận bằng các nền văn minh cũng có những giá trị nhất định,
nhưng cách tiếp cận này đã phạm sai lầm căn bản là chỉ coi trình độ phát triển
khoa học - công nghệ, lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định duy nhất, bỏ qua
vai trò của quan hệ sản xuất, các mối quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp và
do đó, không thấy được một cách đầy đủ, nhất quán các mặt phức tạp của mỗi xã
hội, từ các vấn đề của hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc, từ vấn đề kinh
tế đến vấn đề tinh thần, chính trị, tôn giáo, v.v.. Vì vậy, xét theo góc độ
khoa học, không thể đem phương pháp tiếp cận theo các nền văn minh thay thế học
thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội để phân tích lịch sử và nhận thức các
vấn đề xã hội.
C.Mác viết: “Tôi coi sự phát triển của
những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”.
V.I.Lênin giải thích thêm: “Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan
hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng
sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát
triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Và dĩ
nhiên là không có một quan điểm như thế thì không thể có một khoa học xã hội
được”.
Chúng ta đều biết, quy luật của đời sống
xã hội có đặc điểm là tác động thông qua con người. Song, không phải vì thế mà
nó không mang tính khách quan. Ngược lại, xã hội vận động theo những quy luật
không những không phụ thuộc, mà còn quyết định cả ý chí, ý thức và ý định của
con người.
Từ lâu (và ngay cả hiện nay), có một số
người do không nhận thức được vấn đề này hoặc với dụng ý xấu hòng phủ định con
đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đã nói rằng, con đường mà chúng ta
đã lựa chọn dường như trái với lý luận của C. Mác về “quá trình lịch sử - tự nhiên”.
Họ cho rằng, ở nước ta, quá trình lịch sử - tự nhiên nhất thiết phải phát triển
tuần tự và tất nhiên, hướng trước mắt phải là chủ nghĩa tư bản. Chúng ta khẳng
định rằng, quan niệm đó là phi lịch sử và không phù hợp với quan niệm của C.Mác
về quá trình lịch sử - tự nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét