Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

BIỂU HIỆN MỚI VỀ DÂN CHỦ HÓA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI, THỰC HIỆN QUYỀN LỰC THUỘC VỀ NHÂN DÂN

          Các nước XHCN đều nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của dân chủ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình cải cách, mở cửa, đã khẳng định rõ: “Phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu trước sau như một của Đảng ta. Không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội, không có hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” [Đảng Cộng sản Trung Quốc (1998), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.56]. Theo Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhân dân làm chủ. Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân” [Đảng Cộng sản Trung Quốc (1998), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.56].
          Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định, dân chủ xã hội chủ nghĩa là một đặc trưng quan trọng, bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) có viết: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân” [Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.327]. Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và phải được thể chế hóa quyền lực đó bằng pháp luật, được pháp luật bảo hộ. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm dân chủ được thực hiện trên thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực” [Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.84-85].
          Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong quá trình đổi mới đã chỉ rõ, dân chủ gắn với bản chất chế độ, là mục tiêu, là nhiệm vụ cần hiện thực hóa trên thực tế: “Chế độ của chúng ta là chế độ mà nhân dân làm chủ, tất cả là vì lợi ích và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đó không chỉ là mục tiêu, mà còn cần phải tổ chức thực hiện cho trở thành hiện thực”. Ở Cuba, vấn đề phát huy dân chủ được quan tâm và được mở rộng hơn trên thực tế, thông qua các quyền về kinh tế, chính trị, quyền con người… Với sự đổi mới trong nhận thức, sự cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội VI (4-2011) và Đại hội VII (4-2016), đã tạo điều kiện và cơ hội cho người dân tham gia nhiều hơn, chủ động hơn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tham gia quản lý đất nước và bảo đảm ngày càng tốt hơn những điều kiện vật chất và tinh thần của nhân dân, những sự thay đổi đó đang hứa hẹn sẽ tạo điều kiện, cơ hội đưa Cuba bước sang một giai đoạn phát triển mới.
          Quá trình thực hiện dân chủ ở các nước XHCN gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, trước hết là xây dựng đảng cộng sản trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực cầm quyền của đảng, phát huy dân chủ trong đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện Hiến pháp, hệ thống pháp luật, khẳng định rõ quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ, năng lực làm chủ của nhân dân. Xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân. Thành tựu quan trọng của thời kỳ cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa là đẩy mạnh dân chủ hóa đời sống xã hội, từng bước khắc phục tình trạng mất dân chủ còn tồn tại trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo được cơ chế để nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình trên thực tế trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế… Thời kỳ trước cải cách, đổi mới, do cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu vào thành phần kinh tế công hữu, xóa bỏ các hình thức “phi công hữu”, bởi vậy, chưa phát huy được quyền làm chủ, năng lực, sức mạnh của nhân dân trong phát triển kinh tế. Thời kỳ cải cách, đổi mới, các đảng cộng sản nhận thức lại về cơ cấu kinh tế, phát triển nền kinh tế thị trường với đa dạng các thành phần kinh tế, tạo điều kiện mạnh mẽ để các thành phần kinh tế phát triển, từ đó, khai thác, phát huy được sức mạnh, tiềm năng, tính tích cực… của các thành phần kinh tế đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, dân chủ trong lĩnh vực kinh tế được phát huy mạnh mẽ hơn.
          Một điểm mới cũng thể hiện rõ tinh thần dân chủ hóa đời sống xã hội trong quá trình cải cách, đổi mới đó là quan tâm, phát huy dân chủ ở cơ sở. Quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn nhằm… đã ra đời nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mọi người dân, tăng cường tiếng nói, ý kiến đóng góp, sự kiểm tra, giám sát… của nhân dân và sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Các đảng cộng sản cũng chủ trương đa dạng hóa các hình thức dân chủ, cả trực tiếp và gián tiếp để bảo đảm cho nhân dân được thực hiện bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, giám sát dân chủ, đảm bảo cho nhân dân được hưởng quyền lợi, tôn trọng và bảo đảm nhân quyền, thực hiện dân chủ rộng rãi hơn, đầy đủ hơn và kiện toàn hơn. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân trong việc giám sát và phản biện xã hội, trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét