Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

KHẮC CỐT, GHI TÂM LỜI BÁC HỒ DẠY: "CÁI GỐC CỦA VĂN HÓA MỚI LÀ DÂN TỘC"

Có một câu danh ngôn, đại ý: Văn hóa là những cái còn lại khi tất cả cái khác mất đi. Lịch sử thế giới từng chỉ ra: Mất lãnh thổ, chủ quyền có thể đấu tranh lấy lại, giành lại được; nhưng mất văn hóa là mất tất cả, mất vĩnh viễn. Bài học lịch sử của tổ tiên, ông cha ta quyết giữ bằng được văn hóa dân tộc trong thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc để “ta vẫn là ta”, là minh chứng hùng hồn về điều đó.
Thế nhưng, thời đại ngày nay khác rất xa thời xưa, bởi lẽ cả thế giới đều có thể nằm ngay trong lòng bàn tay thông qua một cú “nhấp chuột” trên máy tính hay một cái vuốt tay trên màn hình máy tính bảng, điện thoại thông minh thì không dễ gì giữ được bản sắc văn hóa vốn là “cái riêng” của dân tộc mình. Hơn nữa, như một chuyên gia UNESCO từng khuyến cáo, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dù có mang lại rất nhiều tiện ích văn minh cho cuộc sống con người, song cũng dễ làm tâm hồn con người trở nên xơ cứng, văn hóa các dân tộc trở nên đơn điệu, nghèo nàn, thậm chí có nguy cơ lụi bại trước sự “tiến công” vừa công khai, vừa ngấm ngầm của nền công nghiệp văn hóa nghe nhìn phương Tây đang “tung hoành” hầu như khắp nơi mọi chốn trên thế giới.
Do đó, điều mấu chốt để bảo tồn được bản sắc dân tộc là phải vừa chú trọng giữ gìn, vừa bồi đắp, nâng tầm bản lĩnh văn hóa, trí tuệ dân tộc để có đủ khả năng nhận diện, lọc bỏ những “virus văn hóa ngoại lai” độc hại đang hằng ngày, hằng giờ tác động, thẩm thấu vào xã hội; đồng thời luôn thích ứng cởi mở với các nền văn hóa khác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng làm giàu văn hóa cho dân tộc mình. Phải khắc sâu, thấm thía lời Bác Hồ dạy: Phương Tây hay phương Đông có gì hay, có gì tốt ta phải học lấy, song điều cốt yếu là “đừng biến ta thành kẻ bắt chước”, vì theo Bác: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Gốc có vững, cây mới bền. Giữ được cái gốc dân tộc của văn hóa, đó cũng là cơ sở vững vàng để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và cũng là thành trì chắc chắn để bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Thấm đẫm, kết tinh công sức, tài năng, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ người Việt trong hơn hai thiên niên kỷ dồn tụ lại, bản sắc văn hóa dân tộc được ví như một tấm gương của tiền nhân trao truyền cho hậu thế. Vì vậy, một khi chủ động chăm lo giữ gìn chu đáo thì tấm gương ấy sẽ ánh lên khuôn mặt dân tộc Việt ngày càng khởi sắc, xán lạn. Ngược lại, nếu không chú trọng, thường xuyên “bảo dưỡng” thì tấm gương ấy sẽ “hắt” lên diện mạo văn hóa dân tộc những vết mờ bụi và làm cho quá khứ bị tổn thương, nền độc lập dân tộc bị đe dọa, tương lai quốc gia khó phát triển ổn định, bền vững./.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét