Thời
đại toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những bước ngoặt
phát triển chưa từng thấy cho nền văn minh nhân loại, nhưng cũng là một thách
thức ghê gớm đối với nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.
Những năm gần đây, “chủ quyền văn hóa” được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến
vì nó liên quan trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ và vận mệnh chính trị của một
quốc gia-dân tộc. Theo PGS, TS Phạm Huy Kỳ, Phó giám đốc Học viện Báo chí và
Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), văn hóa là linh hồn của
một dân tộc. Một quốc gia hoặc dân tộc muốn giữ vững độc lập của mình thì trước
tiên phải giữ gìn tính độc lập về văn hóa, chỉ có như vậy mới có thể nói tới
độc lập hoàn toàn của một quốc gia.
Trên thực tế, độc lập về chủ quyền lãnh thổ dù là cơ sở, tiền đề quan
trọng hàng đầu để làm nên độc lập chủ quyền của quốc gia, nhưng độc lập về văn
hóa mới là điều kiện căn cốt để bảo đảm cho nền độc lập của quốc gia ấy được
tồn tại, phát triển bền vững. Bởi vì, văn hóa-hiểu theo nghĩa sâu sắc
nhất-chính là tất cả chiều dài lịch sử, chiều sâu truyền thống và toàn bộ giá
trị tinh thần, đạo đức, phong tục, tập quán… của cả cộng đồng dân tộc được xây
dựng, bồi đắp, lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặt khác,
văn hóa chính là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia. Do vậy, bảo vệ văn hóa ngoài
ý nghĩa là bảo tồn “sức mạnh mềm” của quốc gia-dân tộc, còn bao gồm việc làm
cho các giá trị của “sức mạnh mềm” không ngừng phát huy, lan tỏa để nền độc lập
của quốc gia luôn được “cắm sâu” trên một nền tảng ổn định, gốc rễ bền vững.
Đại hội XII của Đảng chính thức xác định nội dung “bảo vệ văn hóa dân
tộc” là một trong những nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là: Bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo
vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi
mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc;
bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an
ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Việc
Đảng ta xác định “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” thực chất là xác lập bảo vệ chủ
quyền văn hóa của quốc gia. Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện
trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng), là một trong những yếu
tố vừa bền vững, vừa năng động, văn hóa sẽ góp phần khai thác, nhân lên “sức
mạnh mềm” của quốc gia để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc. Nói đến văn hóa là nói đến con người, do vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc, nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa thực chất là chú trọng quan tâm chăm lo xây
dựng con người có đủ bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh tinh thần, năng lực, sức
khỏe nhằm đáp ứng, thực hiện thắng lợi một trong hai nhiệm vụ chiến lược của
cách mạng Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét