Khi bước vào
quá trình cải cách, đổi mới, các nước XHCN đều có “điểm xuất phát rất thấp về
kinh tế”, “trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn lạc hậu rất xa so với
các nước phát triển”, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, “mâu thuẫn chủ yếu
nhất của xã hội là mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất, văn hóa ngày càng tăng của
nhân dân với sức sản xuất xã hội lạc hậu”… Để giải quyết những vấn đề đó, một
trong những thành tựu quan trọng của đổi mới tư duy ở các nước xã hội chủ nghĩa
chính là “lấy phát triển kinh tế làm trung tâm”. Việc xác định lấy phát triển
kinh tế làm trung tâm là sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của các nước xã
hội chủ nghĩa, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, “là điều
cốt yếu để chấn hưng đất nước” [Đảng Cộng sản Trung Quốc (2013), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.40], là
sự trở lại đúng với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin coi hoạt động sản
xuất vật chất, hoạt động kinh tế là tiền đề cơ bản của sự tồn tại và phát triển
xã hội loài người mà bất kỳ chế độ xã hội nào trong lịch sử cũng đều phải thực
hiện. Chính sự thay đổi nhận thức quan trọng này là tiền đề cho sự thành công của
công cuộc cải cách, đổi mới kinh tế cũng như sự thành công của toàn bộ sự nghiệp
cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Các nước xã hội
chủ nghĩa cũng nhận thức lại một cách khách quan, khoa học về mối quan hệ giữa
lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó, lấy phát triển lực lượng sản
xuất là nền tảng, là đặc trưng quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội. Đặng Tiểu
Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Bản chất của chủ nghĩa xã hội là giải
phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất, tiêu diệt bóc lột, xóa bỏ sự phân
hóa hai cực, cuối cùng đạt được đích cùng nhau giàu có” [Văn tuyển Đặng Tiểu
Bình (1995), quyển 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.396], “Nhiệm vụ cơ bản
của chủ nghĩa xã hội là phát triển sức sản xuất xã hội. Trong giai đoạn đầu của
chủ nghĩa xã hội phải đặt lên hàng đầu việc tập trung lực lượng phát triển sức
sản xuất xã hội” [Đảng Cộng sản Trung Quốc (1998), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.32]. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra rằng, xã
hội xã hội chủ nghĩa là xã hội “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng
sản xuất hiện đại”.
Theo Đảng Nhân
dân Cách mạng Lào: “trong việc phát triển kinh tế, vấn đề cơ bản nhất vẫn là
tích cực phát triển lực lượng sản xuất” [Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2001), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung
ương tại Đại hội VII Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bản dịch của Ban Đối ngoại
Trung ương, Hà Nội, tr.16]… Phát triển lực lượng sản xuất là nhằm xây dựng nền
tảng vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội - yếu tố quyết định sự thành công của
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với
xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa…
Để phát triển lực
lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại, các nước xã hội chủ nghĩa đều
xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “nhiệm vụ trung tâm”, xuyên suốt nhằm
tạo ra nền tảng vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Nhận thức mới về công
nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các nước XHCN hiện nay, đó là: công nghiệp hóa gắn với
hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; gắn với phát triển kinh tế thị
trường với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu nhằm khai thác hết
tiềm năng của các thành phần kinh tế, đóng góp cho sự phát triển của lực lượng
sản xuất xã hội. Do đặc thù của các nước XHCN đi lên từ những nước nông nghiệp
lạc hậu nên vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được
đặc biệt coi trọng; lấy phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự
phát triển nhanh và bền vững; coi phát triển khoa học và công nghệ là nền tảng,
là động lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa, “sáng tạo khoa học công nghệ là trụ
cột chiến lược nhằm nâng cao sức sản xuất của xã hội và sức mạnh tổng hợp của
quốc gia”; tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội,
bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét