Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

NỘI DUNG XÂY DỰNG QUAN HỆ SẢN XUẤT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY

          Về sở hữu đối với tư liệu sản xuất, các nước XHCN đều kiên trì thực hiện chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu, làm rõ hơn về vai trò, chức năng chế độ công hữu; đồng thời, phát triển các thành phần kinh tế “phi công hữu”, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đặc biệt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình cải cách, đổi mới, các nước xã hội chủ nghĩa đều kiên trì chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, coi đó là “đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, là nền tảng của quan hệ kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Nếu không có công hữu làm chủ thể thì không thể có sự khác nhau về bản chất của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Thực chất của các chủ thể đó là: giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân cùng chiếm hữu tư liệu sản xuất. Thực hiện chế độ công hữu là công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu.
          Về chế độ quản lý nền kinh tế, các nước XHCN đều thực hiện sự chuyển đổi từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp với cách tổ chức, quản lý bằng kế hoạch, mệnh lệnh áp đặt từ trên xuống, sang chế độ nhà nước thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô, điều hành nền kinh tế, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ rõ: “Nhiệm vụ chính của điều tiết vĩ mô là đảm bảo sự cân bằng chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy việc hoàn hảo các kết cấu kinh tế lớn, thực hiện kinh tế tăng trưởng ổn định. Việc điều tiết vĩ mô chủ yếu vận dụng các biện pháp kinh tế và pháp luật” [Đảng Cộng sản Trung Quốc (1998), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.46-47]. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển… Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội [Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.103]…
          Về chế độ phân phối, cùng với việc nhất quán thực hiện chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu, các nước XHCN cũng luôn quán triệt nguyên tắc “phân phối theo lao động”, “lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu”, coi đó là đặc trưng bản chất, là nguyên tắc phân phối cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, các nước XHCN cũng thực hiện nhiều hình thức phân phối khác như: phân phối theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác, phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội…  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét