Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

SỨC MẠNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC BẮT NGUỒN TỪ SỨC MẠNH VĂN HÓA

Trong thời điểm cả nước đang dồn mọi sức lực, huy động mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân tham gia chống quân phát xít Nhật và thực dân Pháp để sớm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta đã ra “Đề cương văn hóa 1943”.'
Ra đời trong tình thế lịch sử “nước sôi lửa bỏng” ấy, đề cương chuyển tải thông điệp sâu sắc đến hôm nay và mai sau: Một mặt, vận mệnh văn hóa dân tộc phải luôn gắn liền với vận mệnh dân tộc; mặt khác, muốn dân tộc thoát khỏi nô lệ lầm than, không thể không khơi nguồn từ sức mạnh văn hóa ngàn đời của dân tộc.  
Văn hóa dân tộc thức tỉnh tinh thần yêu nước, khơi nguồn ý thức tự cường cho nhân dân
Cách nay 75 năm, dân tộc ta, nhân dân ta bị kìm kẹp “một cổ hai tròng” bởi chế độ thực dân phát xít và phong kiến. Văn hóa Việt Nam cũng bị “vòng cương tỏa” bởi những chính sách ngu dân, phản động của kẻ thù. Không ít người Việt, trong đó có cả bộ phận trí thức bị “nhồi sọ” những luồng văn hóa xấu độc ngoại lai. Do vậy, để ngăn ngừa xu hướng, tình trạng nguy hại này, Đảng ta đã ban hành "Đề cương văn hóa 1943". Một trong những mục tiêu bao trùm của đề cương này là muốn cứu được dân tộc thì phải cứu được văn hóa dân tộc, muốn giành được độc lập, tự do cho dân tộc thì nhất thiết phải dựa vào sức mạnh văn hóa dân tộc, phải khơi dậy được lòng tự tôn, tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ-những người được coi là một trong những bộ phận tinh hoa của dân tộc.
Điều đáng chú ý trong ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam được Đảng ta nêu ra tại đề cương là yếu tố “dân tộc hóa” được đặt ở vị trí đầu tiên, tức là chống ảnh hưởng văn hóa nô dịch và thuộc địa, bảo đảm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Trong tình thế khốn cùng của các tầng lớp nhân dân vào đầu những năm 1940 của thế kỷ 20, phần lớn trí thức, văn nghệ sĩ cũng bị dồn vào thế chân tường. Do đó, sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời của "Đề cương văn hóa 1943" với việc khơi dậy mạnh mẽ ý thức dân tộc giúp nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đang đứng trước “ngã ba đường” như được thức tỉnh suy nghĩ để cùng hướng về ngọn cờ tiên phong văn hóa của Đảng, tự nguyện đi theo Đảng và tham gia sự nghiệp cách mạng cứu nước, cứu dân.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ nước ta ít nhiều đều cảm thấy bế tắc trong cuộc sống và trong sáng tạo của mình. Tư duy và ngòi bút của họ trở nên hoen gỉ, cuộc sống trở nên tù túng. Nhưng từ khi gặp ánh sáng của đề cương văn hóa soi đường, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ thời đó đã bị lôi cuốn bởi sức mạnh của trí tuệ, của khát vọng cao cả của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với văn hóa và vận mệnh văn hóa dân tộc, từ đó, họ từng bước rũ bỏ “cái tôi” cá nhân để tự giác hòa vào “cái ta” cộng đồng, tự nguyện hòa vào cuộc sống chiến đấu sôi động của các tầng lớp nhân dân.
Như vậy, với tư cách là một trong những thành tố của độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc không chỉ có ý nghĩa làm nền tảng, bệ đỡ tinh thần cho con người, mà nó còn góp phần khai sáng trí tuệ, thức tỉnh lương tâm, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường dân tộc cho những thân phận nô lệ, giúp họ vùng lên đấu tranh phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít thực dân, quyết tâm bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã khẳng định: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần mở đường, khai sáng từ đề cương văn hóa của Đảng hai năm trước đó.
“Sức mạnh văn hóa của một nước không thể đo bằng cây số vuông”
Ít có dân tộc nào trên thế giới có bề dày lịch sử đấu tranh giữ nước lâu dài, bền bỉ như dân tộc Việt Nam. Cũng hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại phải đứng lên trực tiếp đương đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp bội lần cả về quân sự, vũ khí và tiềm lực kinh tế như dân tộc Việt Nam. Đế quốc Nguyên- Mông ở thế kỷ 13 là đế quốc hùng mạnh nhất thời phong kiến cổ trung đại, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ 19, 20 là những cường quốc về quân sự thời cận hiện đại đều đã đặt ách thống trị ở Việt Nam. Nhưng tại sao những thế lực ngoại bang xâm lược hung bạo nhất thế giới và từng “đánh đông dẹp bắc” trước sau đều phải chuốc lấy thất bại thảm hại ở Việt Nam và rút quân về nước? Một trong những nguyên nhân căn bản nhất là do kẻ thù không nhận định, đánh giá đúng về cội nguồn, truyền thống, sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Dành hàng chục năm tâm huyết chỉ để nghiên cứu văn hóa lịch sử quân sự Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa quân sự Dương Xuân Đống đã khẳng định: Văn hóa quân sự Việt Nam thực chất là văn hóa giữ nước. Cái mầm mống yêu nước, quyết tâm đánh giặc chống ngoại xâm đã hình thành từ trong bào thai người mẹ sinh ra Thánh Gióng để truyền lại cho hậu thế một câu chuyện huyền thoại về lịch sử đấu tranh giữ nước quật cường của dân tộc ta ngay từ buổi bình minh dựng nước. Để rồi sau 22 thế kỷ trải qua bao can qua lửa đạn, khói bom có thể làm cho cửa mất nhà tan, xóm làng xơ xác, nhưng sức mạnh văn hóa quân sự Việt Nam không ngừng được vun trồng, bồi đắp và kết tinh, tỏa sáng mạnh mẽ chưa từng thấy trong thế kỷ 20: Lần đầu tiên quân đội một nước nhỏ bé ở Đông Nam Á đã “chôn vùi” chủ nghĩa thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên với đại thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954; và đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất của đế quốc Mỹ và bọn tay sai kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với đỉnh cao thắng lợi huy hoàng ngày 30-4-1975
Trong cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 9-11-1995 tại Hà Nội, chính cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert McNamara đã thẳng thắn thừa nhận, cuộc chiến tranh của Mỹ thua tại Việt Nam là thua về văn hóa. Bởi văn hóa Việt Nam, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đối đáp với ông Robert McNamara rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức và quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc đã trở thành một triết lý, một bản sắc văn hóa và cũng là một nguyên tắc không lay chuyển của người Việt Nam.
Vào thời điểm giữa năm 1954, sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm dự báo Việt Nam tiếp tục phải đương đầu với sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam nước ta. Bởi vậy, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày 19-9-1954, Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Là một trong những nhân chứng trực tiếp tham dự và được nghe lời căn dặn của Bác Hồ tại sự kiện lịch sử ấy, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương (năm 1954 là Chính trị viên Đại đội Phòng không, Đại đoàn Quân Tiên Phong) cho rằng, lời căn dặn của Bác thấm đẫm “hồn thiêng sông núi” và hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Bởi nhắc đến Vua Hùng đâu chỉ nhắc đến những vị quốc công đã sinh ra quốc gia dân tộc đầu tiên của người Việt, mà còn khơi gợi trong trái tim, khối óc mỗi người Việt Nam về tình yêu xứ sở cội nguồn, về lịch sử truyền thống lâu đời của tổ tiên ta đã dày công tạo dựng, bồi đắp nên. Do vậy, lời Bác dạy cũng là điều nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước phải luôn có ý thức bảo toàn non sông gấm vóc, giữ gìn nòi giống và bảo vệ những giá trị văn hóa mà tổ tiên để lại. Nhìn rộng ra, đó là ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền cả về lãnh thổ và văn hóa dân tộc.
Không chỉ các bậc tiền nhân xuất chúng như Nguyễn Trãi, Quang Trung- Nguyễn Huệ nhận ra sức mạnh tiềm tàng của văn hóa dân tộc, quyết tâm giữ gìn bằng được những giá trị văn hóa truyền thống, mà các bậc danh nhân lỗi lạc sau này như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm thấy sức mạnh thực sự của văn hóa dân tộc, từ đó biến sức mạnh ấy thành sức mạnh “dời non lấp biển” để đánh tan, nhấn chìm mọi kẻ thù ngoại bang xâm lược, giữ gìn toàn vẹn bờ cõi giang sơn và chủ quyền văn hóa thiêng liêng của dân tộc.
“Danh dự, sức mạnh độc lập, tự do, sức mạnh văn hóa của một nước không thể đo bằng cây số vuông”. Điều nhấn mạnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuộc gặp ngày 23-6-1997 tại Hà Nội thêm một lần khẳng định sức mạnh của một dân tộc không hẳn xuất phát từ diện tích lãnh thổ, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự, mà phải bắt nguồn từ chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và bề dày truyền thống của dân tộc đó.
Với Việt Nam, sức mạnh văn hóa làm nên sức mạnh độc lập dân tộc là một chân lý khách quan đã được lịch sử kiểm chứng, xác nhận!
Nguồn: www.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét