Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

HỌC TẬP PHONG CÁCH TRUYỀN ĐẠT THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

1. Truyền đạt phải gắn lý luận với thực tiễn
Đây là một nguyên tắc, đồng thời là yêu cầu cơ bản hàng đầu trong phong cách truyền đạt Hồ Chí Minh. Ở Hồ Chí Minh luôn thấu triệt quan điểm thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn và tuân thủ nguyên tắc đối tượng nào phương pháp ấy trong hoạt động tuyên truyền. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Ở Hồ Chí Minh có sự ứng phó khớp với diễn biến lịch sử”. Trong thực tiễn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào các đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội để đề ra những biện pháp tuyên truyền vận động thích hợp. Từ đó, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào quần chúng lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phản đối những cán bộ làm công tác tuyên truyền có thái độ xa rời, coi khinh lý luận, mà quá đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm; đồng thời, Người cũng phê bình những căn bệnh “lý thuyết suông”, không gắn kết với thực tiễn, tách rời thực tiễn.
2. Diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu
Đặc trưng nổi bật trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. Cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Những bài nói, bài viết của Người luôn được mọi người cảm thụ sâu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ. Từ đó, tạo ra một phong cách tuyên truyền mang tính đại chúng. Trong phần đầu cuốn sách Đường Cách mệnh, Người nói rõ: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”, “nói việc gì thì nói rất giản tiện... chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”. Do tình thế khẩn cấp mà Người chỉ chú tâm đến việc “phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!”. Đấy là phong cách của một nhà yêu nước đang cháy bỏng khát vọng muốn cứu nước, giải phóng dân tộc.
3. Diễn đạt thiết thực, hiệu quả
Một trong những nét rất đặc sắc trong phong cách diễn đạt tuyên truyền Hồ Chí Minh là đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền: Không nên nói trên trời dưới đất, nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả. Người chỉ ra hai kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền huấn luyện: Một bên nói hay mà không hiểu, một bên nói dễ hiểu, thiết thực, người ta hiểu được và làm được. Người nhấn mạnh: “Không nên lúc nào cũng trích Các Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ, mới là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Bên cạnh đó, Người còn chỉ ra khuyết điểm chung mà nhiều người mắc phải trong tuyên truyền là tham nhiều, không biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Từ đó, Người căn dặn cán bộ tuyên huấn: “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”. Tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền”.
4. Thực hiện “Ba bám, bốn cùng”
Theo Hồ Chí Minh, muốn quần chúng tin theo, làm theo mình thì cán bộ tuyên huấn không thể chỉ tuyên truyền miệng, trên giấy tờ, lời nói mà cần phải thâm nhập vào quần chúng, “ba cùng” với họ. Cán bộ tuyên truyền phải “chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm”, kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ, tuân thủ phong tục, tập quán và phải thành khẩn, thấy dân làm việc gì, cũng làm giúp... Làm tốt những việc trên đây chính là “cách gây tình cảm tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội” và “chắc sẽ thành công to”.
Phong cách truyền đạt Hồ Chí Minh là viên ngọc quý đối với những người làm công tác tuyên truyền. Do đó, học tập và làm theo phong cách truyền đạt ấy là thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn và hoạt động thực tiễn của Người để lựa chọn phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng đơn vị, đối tượng. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét