Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

GIẢI PHÁP NÂNG CAO Ý THỨC CHÍNH TRỊ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Thứ nhất, tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội phải thường xuyên chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công nhân, người lao động.
Đây là một hoạt động quan trọng nhằm trực tiếp trang bị kiến thức, bồi dưỡng nhận thức, lập trường chính trị, góp phần hình thành bản lĩnh chính trị, ý thức chính trị cho giai cấp công nhân và người lao động. Nội dung tuyên truyền giáo dục tập trung vào giáo dục cho công nhân hiểu rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng mình trong công cuộc đổi mới đất nước. Giáo dục, tuyên truyền những nội dung cơ bản về chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, nhất là những chính sách, quy định liên quan trực tiếp, sát sườn tới quyền lợi, lợi ích thiết thực của đội ngũ công nhân và người lao động. Đồng thời, cũng cần chú trọng đúng mức tới giáo dục truyền thống dân tộc, lịch sử hào hùng của dân tộc cho công nhân, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với vận mệnh của đất nước ở đội ngũ công nhân. Có nhiều chính sách khuyến khích, động viên, cổ vũ công nhân vươn lên trong lao động, sản xuất, kinh doanh, giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo tích cực làm giàu cho bản thân, quê hương, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Thứ hai, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân.
Nhà nước cần có hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ và tương đối hoàn thiện để kịp thời điều chỉnh quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, bảo đảm cho họ có quyền tự chủ và tự do sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, có thu nhập tương xứng với công sức lao động bỏ ra. Hiện nay, vấn đề nơi ăn, chốn ở của đội ngũ công nhân và người lao động ở một số khu vực, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, các điều kiện sinh hoạt không bảo đảm. Do đó, cần phải tiếp tục đầu tư, củng cố cải thiện về điều kiện sinh hoạt, điều kiện lao động cho công nhân. Theo đó, Nhà nước và các cấp chính quyền cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các cụm công nghiệp tiến hành đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, thường xuyên hỗ trợ công nhân về đời sống sinh hoạt để họ yên tâm tập trung lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm đúng mức tới xây dựng và không ngừng nâng cao đời sống văn hóa-tinh thần cho giai cấp công nhân. Bởi khi đời sống văn hóa-tinh thần của công nhân được nâng cao nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến sự hình thành, phát triển ý thức chính chị của họ. Muốn vậy, Nhà nước và các doanh nghiệp cần có các biện pháp hỗ trợ đảm bảo công nhân và người lao động có điều kiện tiếp cận với các nguồn sách, báo, tập chí, các phương tiện thông tin, đặc biệt cần thiết đầu tư các khu vui chơi, giải trí tại nơi sản xuất, có chế độ cụ thể và thường xuyên trong hoạt động thể thao, văn nghệ góp phần tích cực nâng cao mọi mặt đời sống cho người lao động.
Thứ ba, thúc đẩy nhanh chóng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đội ngũ công nhân.
Hiện nay đang tồn tại một thực tế đáng buồn, đó là giới chủ (chủ yếu là người nước ngoài) đang tận dụng “bóc lột” quá mức đối với đội ngũ công nhân, người lao động ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề gây ra không ít những bức xúc xã hội, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, làm suy giảm đời sống văn hóa, ảnh hưởng không nhỏ tới ý thức chính trị của đội ngũ công nhân. Hiện nay, trong nhiều thỏa thuận lao động, trong nhiều tình huống có “trục trặc” xảy ra trong quá trình sản xuất thì phần lớn người phải chịu thiệt thòi vẫn là đội ngũ công nhân, người lao động làm thuê. Lý do là trong ký kết các thỏa ước lao động rất nhiều công nhân không được dân chủ tham gia đóng góp, hoặc khi ký kết thì quyền và lợi ích thường nghiêng hẳn về giới chủ… Do đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện về cơ chế, chính sách, buộc giới chủ phải cùng với người lao động tự nguyện ký kết thỏa ước lao động tập thể, chấm dứt tình trạng nhiều người lao động không được ký kết vào bản thỏa ước. Đặc biệt, cần phải có cơ chế, hình thức xử phạt nghiêm khắc với những người chủ nước ngoài mạt sát người lao động, xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của họ. Bởi nếu không sớm chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trên thì chắc chắn tâm tư, tình cảm và ý thức chính trị của người lao động nói chung và đội ngũ công nhân nói riêng ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Thứ tư, sớm xây dựng, hoàn thiện và kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị-xã hội, nhất là tổ chức công đoàn góp phần xây dựng, phát triển ý thức chính trị cho đội ngũ công nhân.
Việc sớm xây dựng, kiện toàn các tổ chức ở đây chủ yếu muốn nói tới các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bởi trên thực tế tại các doanh nghiệp này các tổ chức đảng, công đoàn thường ít phát huy được vai trò của mình trong đấu tranh, bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho người lao động. Trên thực tế, các tổ chức chính trị- xã hội ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hoạt động có chất lượng, hiệu quả rất thấp, thường bị giới chủ mua chuộc, lợi dụng, không phát huy được vai trò trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần sớm có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những cán bộ, viên chức thuộc các tổ chức chính trị-xã hội, để giúp họ yên tâm công tác, hết lòng với người lao động trong sản xuất và đấu tranh đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ. Đồng thời, Nhà nước nên sớm nghiên cứu, ban hành Luật Đình công, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh và quản lý hoạt động đình công của người lao động hiện nay. Bởi đây là vấn đề đang diễn ra thường xuyên hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư, tình cảm và ý thức chính trị của giai cấp công nhân và người lao động.
Tóm lại, để xây dựng và phát triển ý thức chính trị cho giai cấp công nhân và người lao động trong thời buổi hiện nay cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, ban ngành đoàn thể, sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong ban hành, hoàn thiện chế độ, chính sách, văn bản pháp luật nhằm xây dựng khung pháp lý rõ ràng trong duy trì, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Đây cũng chính là “nhân tố” quan trọng để xây dựng và phát triển ý thức chính trị cho đội ngũ công nhân hiện nay có chất lượng, hiệu quả.

1 nhận xét:

  1. nâng cao ý thức chính trị cho công nhân hiện nay là điều cần thiết hiện nay để giai cấp công nhân không bị các thế lực thù địch lôi kéo

    Trả lờiXóa