Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

LÝ TƯỞNG CỦA TUYÊN NGÔN SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Giá trị cơ bản, đích thực của Tuyên ngôn không phải ở chỗ nó cung cấp những lời giải đáp có sẵn cho mọi vấn đề của thực tiễn cách mạng hôm nay mà ở chỗ nó đã phản ánh một cách khái quát xu hướng vận động khách quan của xã hội, chỉ ra những nhiệm vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước giải phóng các giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người  và xã hội loài người mọi hình thức tha hóa.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh tiếp thu theo tinh thần của Tuyên ngôn, lựa chọn con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã khảo sát các cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu trên thế giới và không tán thành con đường cách mạng tư sản. Nguyễn Ái Quốc sớm tiếp cận chân lý của Tuyên ngôn. Thông qua khảo nghiệm thực tiễn, Người nhận ra rằng, chế độ áp bức, bóc lột, bất công tồn tại phổ biến mọi nơi trên thế giới. Kẻ áp bức, bóc lột thợ thuyền và những người lao động nghèo khổ ở Pháp cũng chính là kẻ áp bức, bóc lột nhân dân Việt Nam, nhân dân châu Phi, nhân dân tất cả các nước thuộc địa.
Qua Sơ thảo lần thứ nhất đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”. Sau này, khi nói về ảnh hưởng to lớn của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Hồ Chí Minh viết: “Đệ nhất quốc tế tuy chỉ dựng được 10 năm, nhưng khẩu hiệu “Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp lại” và tinh thần cách mệnh vẫn truyền đến bây giờ. Tuy không làm được nhiều việc, nhưng cái công dạy cho thợ thuyền trong thế giới cách mệnh thì rất to”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét