Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

VIỆT NAM KHÔNG CÓ CÁI GỌI LÀ "TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM"

Ngày 4/4/2018 vừa qua, Tổ chức Ân xá quốc tế vừa đăng tải cái gọi là “bản nghiên cứu” mới với nội dung cáo buộc “Hiện có ít nhất 97 tù nhân lương tâm đang mòn mỏi trong nhà tù ở Việt Nam, nơi nhiều người bị giam cách ly trong tình trạng ghê sợ và thường xuyên chịu tra tấn hoặc các đối xử tồi tệ khác”. Và tổ chức này cũng không quên lồng ghép nội dung việc Nguyễn Văn Đài và các thành viên khác trong Hội anh em dân chủ  đang bị đưa ra xét xử. Ngay lập tức thì nội dung “bản nghiên cứu” trên được các đài phản động như Việt Tân, RFA, VOA chia sẻ và nhanh chóng tán phát trên mạng xã hội.
Đây không phải lần đầu tiên Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra những thông tin một chiều, sai sự thật, không có cơ sở và thể hiện thái độ thiếu thiện cảm với chính quyền Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.
Tổ chức Ân xá quốc tế (viết tắt là AI) ra đời năm 1961 với mục tiêu ban đầu hướng tới là “thúc đẩy tất cả quyền con người”. Tuy nhiên, trong suốt quá trình hoạt động, tổ chức này đã lộ rõ bản chất chỉ là một tổ chức tuyên truyền có quan hệ mật thiết với một số thế lực chính trị. Nhiều thông tin cho rằng Tổ chức ân xá quốc tế là một “cánh tay nối dài” của chủ nghĩa tư bản, được sự hậu thuẫn của giới tư bản Mỹ và phương Tây đang hoạt động câu kết với các phần tử xấu để vu cáo, vu khống chính quyền các nước vi phạm vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhằm tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, và điều tổ chức này hướng đến là kích động một chiến dịch nổi dậy chống lại một chính phủ nào đó.
Về khái niệm “tù nhân lương tâm” mà Tổ chức Ân xá quốc tế đã đưa ra để vu cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, trước hết xin khẳng định rằng ở Việt Nam không có khái niệm nào gọi là “tù nhân lương tâm”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số tổ chức nhân quyền lên án phiên tòa ngày 5/4/2018 xét xử sơ thẩm 6 bị cáo về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam bác bỏ những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan này. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.
Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.” 
Bản nghiên cứu mới của Tổ chức AI chỉ là cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.
Những cá nhân mà AI đang lên tiếng bênh vực và gán họ với cái tên “tù nhân lương tâm” bản chất là các đối tượng vi phạm pháp luật, bị truy tố và xét xử về các tội đã được pháp luật quy định rõ ràng như: “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79 BLHS); “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” (Điều 88 BLHS); “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258 BLHS).
Như vậy lại thêm một lần nữa tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra những đánh giá mang tính phiến diện, một chiều, mơ hồ. Để đánh giá tình hình dân chủ nhân quyền một quốc gia nhưng AI không đưa ra bất cứ cơ sở, dẫn chứng xác đáng nào, chỉ dẫn lại lời kể của một số đối tượng chống đối. Và xin thưa rằng, Tổ chức Ân xá quốc tế không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thiết nghĩ tổ chức này nên sớm giải thể nếu như còn tiếp tục hoạt động một cách thiếu minh bạch và trái với những mục tiêu ban đầu đề ra là thúc đẩy “quyền con người”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét