Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

CẢNH GIÁC TRƯỚC QUAN ĐIỀM CHO RẰNG: "CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CHỈ LÀ ẢO TƯỞNG, KHÔNG BAO GIỜ THỰC HIỆN ĐƯỢC"

Trước sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, một số hạn chế, yếu kém trong quá trình, cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và sự phát triển, “điều chỉnh”, “thích nghi” của chủ nghĩa tư bản hiện đại... thì một số người nêu ra quan điểm chủ nghĩa xã hội là không tưởng, bởi:
Thứ nhất, nó được “dựng” nên từ “một hệ thống triết học tư biện” chứ không phải từ hiện thực khách quan.
Thứ hai, sẽ không thể có một xã hội hoàn hảo như chủ nghĩa Mác - Lênin đặt ra. Luận điểm này cho rằng “Chủ nghĩa Mác là một giấc mơ về xã hội không tưởng. Nó đặt niềm tin vào một xã hội hoàn hảo, không có khổ cực, đau buồn, bạo lực và mâu thuẫn”. Xã hội tương lai của Mác, theo họ là một xã hội tốt đẹp nhưng không thể thực hiện được vì trong thực tế cuộc sống có nhiều bất trắc, rủi ro không thể lường hết được.
Thực chất, quan điểm này đã đồng nhất một số phác thảo của các nhà kinh điển về xã hội tương lai với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản phát triển đầy đủ.
Vậy chủ nghĩa xã hội có phải là ảo tưởng? Chắc chắn là không vì:
  Một là, chủ nghĩa xã hội dựa trên quan điểm của học thuyết Mác không phải là “hệ thống tư biện”, không phải là phi hiện thực khách quan mà là hiện thực trên thực tế
Thứ nhất, học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội không phải là “hệ thống tự biện”, vì trong khoa học, để tìm ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng thì không chỉ nghiên cứu một sự vật, hiện tượng cụ thể mà phải thông qua nhiều sự vật, hiện tượng từ đó tìm ra các thuộc tính chung nhất của nó. Do đó, bất kỳ nghiên cứu khoa học nào cũng cần đến thuộc tính trừu tượng hóa, khái quát hóa. Nghiên cứu lịch sử phát triển nhân loại, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hay những yếu tố cấu thành của phương thức sản xuất tư bản cũng không thể không trừu tượng hóa những đối tượng ấy. vấn đề đặt ra là, sự trừu tượng hóa ấy có phản ánh đúng bản chất, quy luật của hiện thực khách quan không. Nếu phản ánh đúng bản chất, quy luật, chúng ta có cơ sở khoa học để dự báo sự vận động phát triển của nó, ngược lại nếu phản ánh sai sẽ có dự báo sai sự vận động, phát triển của sự vật. Do vậy, học thuyết Mác không phải là “tư biện.
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội dựa trên học thuyết Mác ra đời xuất phát từ “mảnh đất hiện thực” khách quan
Học thuyết Mác ra đời dựa trên những điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của châu Âu từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời và những tiền đề văn hóa, tư tưởng của nhân loại đạt được trong suốt chiều dài lịch sử cho đến thời đại của các ông. Với sự uyên bác về trí tuệ, sự gắn bó mật thiết với phong trào công nhân ở khắp các nước châu Âu, với thiên tài trong kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã tìm ra được quy luật vận động của xã hội loài người, đặc biệt là quy luật vận động của chủ nghĩa tư bản thông qua ba phát hiện vĩ đại: Học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về giá trị thặng dư và sau này (như Lênin đã bổ sung) là học thuyết về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Đến thời đại của mình, V.I.Lênin đã bảo vệ, bổ sung, phát triển học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội dựa trên việc nghiên cứu “mảnh đất hiện thực” của chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang thời kỳ đế quốc, bộc lộ tất cả các mặt “thối nát” của chúng và thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động chống chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa trên khắp các châu lục đặc biệt là thực tiễn của nước Nga lúc đó.
Thứ ba, chủ nghĩạ xã hội đã và đang là hiện thực của lịch sử nhân loại.
Từ một nước tư bản phát triển ở trình độ lạc hậu so với châu Âu đương thời, Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô-viết đã mau chóng vươn lên trở thành một siêu cường. Những thành công vĩ đại mà Liên Xô đã đạt được trên mọi phương diện của đời sống xã hội và trong sự nghiệp cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai là một thực tế hào hùng không thể phủ nhận.
Cũng chính vì thế mà chỉ hơn 40 năm sau đó, chủ nghĩa xã hội hiện thực từ một nước đã phát triển thành một hệ thống thế giới, có mặt tại ba châu lục lớn là châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh đã góp phần làm thay đổi cơ bản số phận của nhiều quốc gia - dân tộc, của hàng tỉ người dân trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng tại Liên Xô, qua hơn 50 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Liên Xô đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực: về kinh tế, trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới (sau Mỹ), sản lượng công nghiệp chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới...; về khoa học kỹ thuật, năm 1957, là quốc gia đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo, năm 1961, phóng tàu vũ trụ đưa nhà du hành Gagarin bay vòng quanh trái đất mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người...; về xã hội, năm 1971 giai cấp công nhân chiếm khoảng 55% tổng lao động xã hội, hơn 50% số người ả nông thôn có trình độ từ trung học trở lên... Đó hoàn toàn không phải là “giấc mơ” cũng chẳng phải là “thiên đường” mà đó là hiện thực khách quan của lịch sử nhân loại.
Cho đến nay, mặc dù hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực thế giới đã tan rã, nhưng không ai có thể phủ nhận sự tồn tại khách quan và những ưu việt của nó.
Hai là, sự để vỡ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, không có nghĩa là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội.
Sự đổ vỡ này là do sai lầm của những người lãnh đạo đứng đầu của Đảng cộng sản ở các quốc gia nêu trên và sự phản bội của một số kẻ cơ hội bên trong kết hợp với những kẻ thù địch từ bên ngoài.
Các ông chỉ rõ: muốn cho chủ nghĩa xã hội trở thành khoa học thì phải đặt nó đứng vững trên mảnh đất hiện thực; từ khi nó trở thành khoa học thì phải đối xử với nó như mọi khoa học. Nó tất yếu phải thường xuyên biến đổi, phải đổi mới và phát triển. Một cách nhìn động chứ không tĩnh, mở chứ không khép kín về chủ nghĩa xã hội do Mác - Ăngghen nêu ra là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Vậy nên, áp dụng một cách rập khuôn, máy móc các nguyên lý đó là trái với tinh thần của Mác. Bởi vậy, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu với những hạn chế của nó chỉ là một mô hình của chủ nghĩa xã hội, hơn nữa, mô hình này lại phản ánh không đầy đủ, thiếu sáng tạo những ý tưởng của học thuyết Mác - Lênin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét