Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN KHÔNG CHỈ TRUNG THÀNH VỚI TỔ QUỐC, NHÂN DÂN MÀ CÒN TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Việc quy định lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Đảng, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa trong Hiến pháp năm 2013, đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị vẫn tiếp tục tuyên truyền các quan điểm mơ hồ về “một thể chế đa nguyên, đa đảng, một chính thể với tam quyền phân lập gắn với lực lượng vũ trang trung lập, đứng ngoài chính trị”; “lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”; “lực lượng vũ trang là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc… không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào”… nhằm phủ nhận vấn đề này. 
Trên cơ sở xem xét một cách khách quan, khoa học thì sự hoài nghi, phủ nhận quy định lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Đảng, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Điều 65 trong Hiến pháp năm 2013 là không có căn cứ, cơ sở khoa học. Có thể khẳng định rằng, việc bổ sung thêm những điểm mới này ở Điều 65 trong Hiến pháp năm 2013 là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc:
Trước hết, việc quy định lực lượng vũ trang trung thành với Đảng và Nhà nước xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang. Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nghiên cứu nguồn gốc, bản chất chiến tranh và lực lượng vũ trang, chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định lực lượng vũ trang là một hiện tượng lịch sử ra đời trong giai đoạn phát triển nhất định của loài người khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự đối kháng giai cấp trong xã hội; bản chất chính trị - xã hội của lực lượng vũ trang được quyết định bởi lực lượng vũ trang đó do giai cấp nào tổ chức ra, nằm trong tay ai và phục vụ trước hết cho lợi ích của giai cấp nào trong xã hội. Lực lượng vũ trang do giai cấp áp bức, bóc lột tổ chức bao giờ cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, trên cơ sở chà đạp lên quyền lợi của nhân dân lao động. Ngược lại, lực lượng vũ do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tổ chức ra luôn vì lợi ích của nhân dân. Như vậy là, trong xã hội có giai cấp, lực lượng vũ trang chưa bao giờ và không bao giờ đứng ngoài đời sống chính trị của xã hội. Về vấn đề này, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”.
Thứ hai, thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy rõ, không có lực lượng vũ trang trung lập, đứng ngoài chính trị. Những lực lượng vũ trang đầu tiên xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp, La Mã cổ đại… đã luôn đóng vai trò là công cụ bạo lực hữu hiệu giúp giai cấp chủ nô hiện thực hóa mọi mục đích chính trị, như: bảo vệ nhà nước chiếm hữu nô lệ, trấn áp phong trào đấu tranh của nô lệ, tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng phạm vi lãnh thổ… Trải qua thời kỳ trung đại, cận đại và hiện đại ngày nay, vấn đề này vẫn là một quy luật không hề thay đổi: không có quốc gia nào không do một giai cấp tổ chức ra, không do một đảng phái chính trị lãnh đạo; không có lực lượng vũ trang, quân đội nào không gắn với chính đảng cầm quyền. Chính đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang, quân đội là biểu hiện tập trung cao nhất, đại diện cho lợi ích giai cấp cầm quyền - cũng là lực lượng chính trị đã tổ chức ra lực lượng vũ trang, quân đội. Dù có thừa nhận hay không thì lực lượng vũ trang, quân đội vẫn chịu sự chi phối bởi quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra nó.
Thứ ba, thực tiễn ra đời, trưởng thành và phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân nước ta đã khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân, luôn trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Thực tiễn ra đời, trưởng thành và phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân nước ta cho thấy, lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm cả Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ ra đời từ các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, luôn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, lực lượng vũ trang luôn chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, việc bổ sung thêm những điểm mới trong Điều 65 Hiến pháp năm 2013 quy định về lực lượng vũ trang trung thành với Đảng và Nhà nước, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn dựa trên những cơ sở vững chắc cả về lý luận và thực tiễn. Việc quy định mới này góp phần làm cho bản Hiến pháp năm 2013 có sức sống mới, phản ánh đúng đắn tình hình thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ bài học sâu sắc về vấn đề “lực lượng vũ trang trung lập, đứng ngoài chính trị” ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, thực tiễn cho thấy rằng, đồng tình với quan điểm “lực lượng vũ trang trung lập, đứng ngoài chính trị” cũng có nghĩa là phủ nhận tính giai cấp của lực lượng vũ trang, bất luận như thế nào cũng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Bài học về sự tan rã và sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Những ý kiến, quan điểm đi ngược lại Điều 65 trong Hiến pháp năm 2013, cổ súy cho luận điệu “lực lượng vũ trang trung lập, đứng ngoài chính trị” chỉ là sự biến tướng của âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, xóa nhòa bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang, tiến tới làm biến chất lực lượng vũ trang nhân dân nước ta, trên cơ sở đó tạo tiền đề cho âm mưu xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà nước và xã hội nhằm thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét