Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Ý THỨC CHÍNH TRỊ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Ý thức chính trị thuộc phạm trù hình thái ý thức xã hội bao gồm những nét đặc trưng của ý thức xã hội nói chung. Theo đó, bao hàm những thái độ chính trị, tình cảm, tư tưởng chính trị hay lý luận chính trị của cộng đồng xã hội. Từ đó, có thể suy ra ý thức chính trị của giai cấp công nhân chính là những tình cảm, thái độ chính trị, quan điểm, tư tưởng chính trị, được hình thành, phát triển trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, trong quá trình đấu tranh giải phóng giai cấp, xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ý thức chính trị trong quá trình hình thành, phát triển chịu sự tác động của nhiều điều kiện, hoàn cảnh đặc thù-trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, giai cấp công nhân vốn xuất thân chủ yếu từ nông thôn, nông nghiệp nên chịu chi phối nặng nề bởi những tập quán, sản xuất manh mún, tự phát, thái độ tự ti, tư tưởng bảo thủ, ngại thay đổi… Đây thực sự là những “rào cản” lớn, gây khó khăn trong quá trình xây dựng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới của sự nghiệp cách mạng.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay (năm 1986), nhìn chung đại bộ phận giai cấp công nhân Việt Nam có ý thức chính trị, nhận thức tương đối rõ về vị trí, vai trò của lực lượng mình đối với công cuộc đổi mới đất nước, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Giai cấp công nhân đã nhận thức sâu sắc được vai trò nòng cốt của lực lượng mình trong công cuộc kiến thiết đất nước, đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. Không những thế, đa số công nhân đều tỏ rõ thái độ tự hào, trận trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước và xu thế mở cửa hội nhập; tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng nước nhà.
Tuy nhiên, trong thời buổi tình hình trong nước, khu vực và thế giới luôn có sự biến động phức tạp khó lường về tình hình kinh tế, chính trị như hiện nay, nhất là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã khiến cho một bộ phận không nhỏ công nhân biểu hiện tư tưởng dao động, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước, sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong ý thức chính trị của giai cấp công nhân hiện nay còn có những biểu hiện yếu kém, hạn chế, cụ thể như: không ít công nhân chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; một bộ phận công nhân nhận thức rằng, giai cấp mình không còn giữ vai trò tiên phong, vai trò lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn hiện nay; một số công nhân thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lý của Nhà nước. Nhiều công nhân tỏ ra thiếu tin tưởng vào vị trí, vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ lợi ích cho mình; không ít công nhân nắm không vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của lực lượng mình; một bộ phận không nhỏ công nhân ít hiểu biết về đặc điểm, tình hình thế giới, thiếu tin tưởng vào tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; một số khác lại ít quan tâm, tỏ ra kém hiểu biết về lịch sử dân tộc, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới đất nước; ngoài ra, có một số ít công nhân thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, tay nghề, quá coi trọng giá trị vật chất, sống buông thả, chạy theo dục vọng và tiền tài… tất cả những vấn đề trên cho thấy một bộ phận không nhỏ của giai cấp công nhân đã và đang có sự yếu, kém về ý thức chính trị, không nhận thấy rõ vị trí, vai trò sứ mệnh của mình, từ đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, suy giảm tinh thần đấu tranh cho mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, song những nguyên nhân trực tiếp, quan trọng làm suy giảm ý thức chính trị của một bộ phận không nhỏ công nhân hiện nay phải kể đến như: sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và của lực lượng sản xuất ở các nước tư bản, sự khủng hoảng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới gây ra sự dao động trong ý thức chính trị của giai cấp công nhân nước ta; trong quá trình phát triển nền kinh tế trí thức ở nước ta, vấn đề tri thức hóa, trí tuệ hóa lao động ngày càng có xu hướng tăng lên, vai trò của trí thức được coi trọng, chính điều này đã phần nào tác động đến nhận thức của bộ phận công nhân tay nghề thấp; thực tiễn đời sống sinh hoạt tinh thần và vật chất của công nhân ở nhiều doanh nghiệp còn thấp kém, cường độ lao động tăng cao, dẫn tới một số nhận thức sai lệch, việc đáp ứng các nhu cầu văn hóa của công nhân cũng hạn chế; các tệ nạn xã hội tiêu cực, sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội, suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng là yếu tố tác động xấu đến tình cảm, thái độ, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân hiện nay…
Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng “nòng cốt” trong công cuộc đổi mới đất nước, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Họ cũng là lực lượng tiên phong, “chủ công” của sự nghiệp cách mạng nước nhà, đảm nhiệm vai trò “sứ mệnh” lịch sử của mình với dân tộc-xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Để đảm nhiệm được vị trí, vai trò quan trọng đó, “đủ sức” thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của dân tộc đòi hỏi giai cấp công nhân Việt Nam phải thường xuyên được xây dựng và phát triển vững mạnh về ý thức chính trị, góp phần hình thành bản lĩnh, lập trường kiên định, nguyện trung thành với mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét