Nói đến lịch sử, đó là những gì thuộc
về quá khứ và gắn liền với xã hội loài người, sự phát triển một quốc gia, dân
tộc. Nhà bác học người La Mã Cicero (106-45 TCN) đưa ra quan điểm:
"Historia magistra vitae" (lịch sử chính yếu của cuộc sống) với yêu
cầu đạt tới "lux veritatis" (ánh sáng của sự thật). Chép sử, đó là
ghi lại, chép lại những sự kiện diễn ra trong quá khứ cho đến thời điểm hiện
tại, những sự kiện không thể thay đổi được, cố định trong không gian và thời
gian, mang tính chất tuyệt đối và khách quan. Chép sử, đánh giá ý nghĩa lịch sử
là công việc thiết yếu của mỗi quốc gia, dân tộc. Là những sự kiện diễn ra trong quá khứ và mang tính khách quan,
lịch sử được chứng minh với những bằng chứng hiển nhiên, dù người viết sử soát
xét dưới góc độ nào.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến nhằm chống phá, cản trở sự phát
triển một hình thái xã hội mới hay chống phá, cản trở sự phát triển một quốc
gia, dân tộc, vùng, lãnh thổ…, kẻ địch tìm cách xuyên tạc lịch sử, bao gồm
xuyên tạc hành vi, sự kiện và mục đích, ý nghĩa, coi đó như một lá bài lợi hại
để tác động đến tư tưởng, tâm lý, quan điểm chính trị của người dân và cộng
đồng quốc tế.
Xuyên tạc, bóp méo thật lịch sử ở Việt Nam cũng là một chiêu bài
chống phá mà kẻ địch đang ráo riết thực hiện. Đáng tiếc, một số người, hoặc do
nhận thức lệch lạc, hoặc vì thói a dua mà vô tình hay cố ý cổ súy cho những
quan điểm xét lại, làm sai lệch bản chất lịch sử. Có thể thấy điều này qua một
số cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta bị các đối tượng xuyên tạc như:
Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, các trận chiến xảy ra ở quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa…
Chiến thắng ngày 30/4/1975 của nhân dân ta được thế giới thừa
nhận, trong đó có cả những chính khách, tướng lĩnh Mỹ từng trực tiếp tham gia,
xem đó là một biểu tượng của tinh thần quả cảm, tất cả vì nền độc lập dân tộc.
Sự thật, ý nghĩa lịch sử hiển nhiên như vậy
nhưng trên một số website từ nước ngoài, blog cá nhân vẫn có những kẻ mưu đồ
chống phá đất nước đã tìm cách bôi nhọ sự thật dưới dạng xét lại lịch sử, không
thừa nhận thắng lợi đó và cố tình suy diễn sai lệch bản chất. Bằng cách đưa ra
những cái gọi là “sử liệu” vu vơ, họ đã nhào nặn một cách chủ quan để rồi đi
đến những kết luận hết sức sai trái, đại loại như: Trong cuộc chiến tranh tại
Việt Nam, người Mỹ không hề muốn cai trị người Việt Nam, người Mỹ can thiệp vào
Việt Nam là để giải phóng chứ không phải để cai trị, hay chiến tranh Việt Nam
là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam Bắc…
Cùng với việc cố tình xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh, họ
còn tìm cách hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975. Những luận điệu trên
làm sai lệch bản chất, ý nghĩa cuộc kháng chiến vệ quốc của nhân dân ta, xúc
phạm đến danh dự, nhân phẩm, chính nghĩa của cả một dân tộc; phủ nhận sự lãnh
đạo của Đảng, sự hy sinh, đóng góp của nhân dân ta, của bạn bè quốc tế trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hành vi này đồng
thời chúng còn nhằm kích động các phần tử chống đối, lực lượng tay sai, phản
động chống phá cách mạng Việt Nam.
Việc diễn giải sai lệch bản chất cuộc chiến tranh cho thấy sự
lạc điệu của những kẻ chống phá bởi lâu nay. Những nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần
khẳng định, đánh giá cuộc chiến theo hướng khách quan hơn, cùng với đó là thúc
đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Còn nhớ, tháng 11/2000, tại Trụ sở
Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tiếp Tổng thống Hoa Kỳ W.J.
Clinton khi ông thăm chính thức Việt Nam. Tại buổi tiếp này, nói về cuộc chiến
tranh ở Việt Nam, Tổng thống W.J. Clinton cho hay, nhiều người ở Hoa Kỳ đã hiểu
sai, lầm tưởng rằng họ sang chiến đấu để “giúp người Việt Nam được tự do và tự
quyết”. Liên quan điều này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Về quá khứ, tôi đồng
ý với ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề
quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy.
Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm
lược mà chúng tôi đã phải tiến hành. Căn nguyên cuộc kháng chiến chống xâm lược
của chúng tôi là từ đâu? Sâu xa là từ khi chủ nghĩa đế quốc đi đánh chiếm thuộc
địa. Nước Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang
đánh Việt Nam? Kết quả của cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là
chúng tôi đã giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên
chủ nghĩa xã hội”…
Việc bẻ cong lịch sử là hành vi mà các nước trên thế giới đều
phản ứng với các lập trường rõ ràng. Hồi tháng 1/2015, Văn phòng báo chí Điện
Kremlin dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực nào
nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của chúng tôi (Liên bang Nga) đối
với chiến thắng vĩ đại (trong chiến tranh thế giới thứ hai) đều đồng nghĩa công
nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết
người này tồn tại".
Tổng thống Nga nhấn mạnh, chính Hồng quân Liên Xô đã cứu người
Do Thái và nhiều người khác trên thế giới thoát khỏi sự hủy diệt tàn nhẫn của
Đức Quốc xã. Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cho
biết, một số nhà lãnh đạo ở những nước từng chịu đựng sự chiếm đóng của Đức
Quốc xã đang bóp méo ký ức về chiến tranh thế giới thứ hai vì mục đích chính
trị, thậm chí đã có những âm mưu nhằm bao che cho những tội phạm chiến tranh và
tay sai phát xít.
Hành vi, cao hơn
là một trào lưu cơ hội xét lại lịch sử, làm biến dạng bản chất các sự kiện lịch
sử, nhất là mục đích, ý nghĩa các cuộc chiến tranh vệ quốc đều mang màu sắc
chống đối cực đoan. Sự thật, lẽ phải được khẳng định với những bằng chứng vững
chắc, hiển nhiên. Những âm mưu bẻ cong lịch sử của các thế lực thù địch không
thể làm thay đổi bản chất, trái lại nó chỉ cho thấy sự lố bịch, khôi hài./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét