Trước năm 1986, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh
tế kế hoạch hóa, hành chính, tập trung, bao cấp với hai thành phần kinh tế. Việc
nhấn mạnh quá mức vai trò của công hữu tư liệu sản xuất mà không coi trọng đúng
mức các mặt tổ chức, quản lý sản xuất, phân phối lợi ích, nhất là lợi ích chính
đáng của người lao động, đã làm hạn chế, thậm chí triệt tiêu động lực phát triển
sản xuất và tǎng nǎng suất lao động. Do thiếu nhận thức đúng đắn về quan hệ giữa
lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích xã hội khiến cho nhấn mạnh siêu
hình tập thể, cộng đồng mà quên mất con người cụ thể. Nhân tố con người ở giai
đoạn này, cũng vì thế mà không được phát huy đầy đủ.
Hạn chế lớn nhất trong tư duy kinh tế cũ là không chấp
nhận sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường. Người ta lo ngại một cách rất có lý
rằng, đó sẽ là những nhân tố gây bất công xã hội, gây rối ren kinh tế. Và, tốt
nhất là để cho vai trò của nhà nước bao trùm toàn bộ cả về sở hữu, quản lý và
phân phối. Nhà nước bao cấp và bao tiêu sản phẩm, kế hoạch của nhà nước là mệnh
lệnh và là nhu cầu của xã hội chứ không phải quy luật cung cầu, giá trị…
Hệ quả là, sản xuất, nhu cầu phát triển của sức sản
xuất chưa được xem trọng. Và, khi mà năng lực tổ chức quản lý của nhà nước bất
cập, dẫn tới kết cục là vào những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam
lâm vào trạng thái trì trệ, khủng hoảng. Đã xuất hiện những nghịch lý như: sản
xuất mà không chú ý hiệu quả kinh tế; trao đổi sản phẩm mà không ngang giá “mua
như cướp, bán như cho”; lưu thông trì trệ mà lại “ngăn sông, cấm chợ”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét