Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và
giữ nước, trong đó lịch sử giữ nước chiếm phần lớn thời gian của tiến trình dân
tộc đã cho chúng ta một chân lý: Nước có thể mất, nhà có thể tan, nhưng nhất định
không thể để mất tổ tiên, gia phả, dòng họ, không thể mất phong tục, tập quán của
ông cha để lại. Lịch sử Việt đã đúc kết rằng, sức sống bền bỉ, trường tồn, mãnh
liệt của dân tộc Việt chủ yếu bắt nguồn từ “sức mạnh mềm”, tức là từ văn hóa của
con người Việt Nam.
Ít có dân tộc nào trên thế giới có đặc
điểm lịch sử như dân tộc Việt Nam. Theo sử liệu ghi chép lại, nếu tính từ cuộc
kháng chiến chống quân xâm lược Tần vào khoảng cuối thế kỷ thứ III trước công
nguyên đến nay, trong 22 thế kỷ qua, dân tộc Việt đã phải trực tiếp kháng chiến
trong 13 thế kỷ, trong đó có gần 100 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn và hơn 10 cuộc
kháng chiến để bảo vệ núi sông bờ cõi. Như vậy, trong tiến trình lịch sử, dân tộc
ta đã dành tới gần 60% thời gian để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giữ nước, bảo
vệ chủ quyền độc lập dân tộc.
Từ trong tiềm thức sâu xa, người Việt
luôn có tâm thế, ý thức bảo vệ những giá trị truyền thống lịch sử và bản sắc
văn hóa của cộng đồng dân tộc mình, nhất là mang mặc, sinh hoạt, nếp sống, nghi
lễ gắn liền với nghề nông và cộng đồng làng xã. Lịch sử ghi lại rằng, dưới thời
Bắc thuộc cả nghìn năm, nhưng người Việt đã nỗ lực tìm mọi cách để lưu giữ,
trao truyền cho nhau phong tục, tập quán, lối sống của tổ tiên, từ tục nhuộm
răng, ăn trầu, đóng khố, mặc váy, đến “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” và
chôn người chết trong các thân cây khoét rỗng hình thuyền độc mộc.
Theo GS sử học Lê Văn Lan, tổ tiên,
ông cha ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ
trang, mà chủ yếu bằng tài trí. Đó là giữ được sự khác biệt về văn hóa, về chủng
tộc, về ngôn ngữ, đặc biệc là giữ được ý thức tự chủ “có thể mất nước nhưng
không thể mất làng”. Hàm ý triết lý này là dù chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị kẻ
thù xâm lược, thôn tính, nhưng “hồn cốt” của quốc gia dân tộc nhất quyết không
thể bị đánh đổi, hòa tan. Vì làng xã không chỉ là nơi cố kết cộng đồng dân cư,
mà chính là nơi hội tụ, bảo tồn, lưu giữ những tâm thức văn hóa của tổ tiên,
ông cha đã để lại. Bởi thế, từng có thời kỳ nghìn năm bị kẻ thống trị thực hiện
chính sách “cưỡng bức văn hóa” nhằm bài trừ tận gốc phong tục, tập quán, nhưng
ông cha ta đã kiên cường bám làng, thề nguyền sống chết với làng, tìm mọi cách
để cất giấu, lưu giữ những gia phả, nghi thức, nghi lễ, luật lệ của làng, cương
quyết không để cho kẻ thống trị cướp phá, tẩu tán, tiêu tan những di sản quý
báu đó của quê hương.
Như vậy, từ trong những hoàn cảnh lịch
sử tối tăm nhất tưởng như không có đường ra, tổ tiên, ông cha ta vẫn tìm ra lối
thoát cho chính mình. Đó là muốn giữ được quê cha đất tổ lâu dài, muốn cho tổ
tiên không bị mất gốc thì không bao giờ được phép lãng quên và làm “đứt gãy” mạch
nguồn văn hóa được người Việt vun trồng, bồi đắp, trao truyền từ thế hệ này
sang thế hệ khác. Bài học về sự kiên trì, ý chí kiên quyết bảo vệ các giá trị
văn hóa đã làm nên căn tính, cốt cách dân tộc cách nay cả ngàn năm chưa bao giờ
mất đi ý nghĩa của nó, mà vẫn còn sức sống mãnh liệt đến hôm nay và mai sau.
Đến những lời tuyên bố đanh thép của
tiền nhân về nền văn hiến Việt và bảo vệ văn hóa Việt
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của
dân tộc, các bậc danh nhân văn hóa, anh hùng xuất chúng của dân tộc ta luôn có
ý thức, tầm nhìn sâu sắc về bảo vệ cội nguồn văn hóa của ông cha.
Trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”
được coi là của Lý Thường Kiệt, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề độc
lập chủ quyền lãnh thổ của dân tộc được khẳng định: Nam quốc sơn hà Nam đế
cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành
định phận ở sách trời). Được coi như bản tuyên ngôn độc lập chủ quyền đầu tiên
của nước Đại Việt trong thế kỷ XI, dù chưa đề cập tới yếu tố văn hóa, nhưng từ
trong 4 chữ “Nam quốc sơn hà” (sông núi nước Nam) đã toát lên niềm kiêu hãnh
thiêng liêng, niềm tự hào sâu sắc đối với mỗi con dân Đại Việt. Đó có thể gọi
là một thông điệp đầy chất văn hóa vì nó đã khơi gợi trong tâm khảm sâu xa nhất
của người dân Đại Việt về bổn phận gìn giữ giang sơn bờ cõi nước nhà.
Sang thế kỷ XV, sau khi đánh tan giặc
Minh xâm lược, thay mặt vương triều nhà Lê và muôn dân Đại Việt, năm 1428, Nguyễn
Trãi đã viết bản “Bình Ngô đại cáo” bất hủ, trong đó lời mở đầu có những câu
tuyên bố hùng hồn về chủ quyền văn hóa của nước ta: Như nước Đại Việt ta từ
trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam
cũng khác.
Như vậy, nước Đại Việt không chỉ có
chủ quyền độc lập về lãnh thổ, mà còn có một nền văn hiến rất lâu đời. Nền văn
hiến ấy không phải ngẫu nhiên mà có, mà đó là công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả
biết bao xương máu của các thế hệ người Việt đã tưới và thấm vào cho “cây độc lập”
nước nhà được nảy nở, sinh trưởng trên gốc rễ văn hóa dân tộc.
Kế thừa lời tiền nhân, ý thức về bảo
vệ nền văn hóa dân tộc tiếp tục có bước phát triển mới khi lần đầu tiên, quan
niệm về giữ gìn phong tục, tập quán của ông cha để lại đã được người anh hùng
áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ nêu ra trong thế kỷ XVIII. Cách nay 230
năm, ngày 22-12-1788, trước khi chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn hành quân ra Bắc
đánh đuổi quân xâm lược, Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ khảng khái tuyên thệ: Đánh
cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho
nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Theo Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo,
nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, lời hịch trên của Quang
Trung-Nguyễn Huệ thể hiện 3 nội dung rõ ràng: Đánh cho để dài tóc/ Đánh
cho để răng đen nhằm mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; Đánh
cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn nhằm mục tiêu
thắng lợi về mặt quân sự; Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ nhằm
mục tiêu chính trị là giành lấy lại vị thế nước Nam đã có chủ.
Không ngẫu nhiên mà Hoàng đế Quang
Trung-Nguyễn Huệ đặt mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc lên trước mục tiêu
thắng lợi quân sự và mục tiêu giành lại vị thế chính trị của đất nước. Vì “răng
đen, tóc dài” không đơn thuần chỉ là những bộ phận trên cơ thể của người Việt
xưa, mà hơn thế, đó là hình ảnh thân thương của đồng bào ta, là phong tục, tập
quán, là diện mạo văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc Việt. Nhìn từ góc độ
văn hóa quân sự, lời hịch Đánh cho để dài tóc/ Đánh để cho đen
răng thực chất là lời quyết chiến, quyết đánh đuổi quân xâm lược đến cùng
để bảo toàn những giá trị gốc gác của người Việt, của linh hồn văn hóa truyền
thống Việt. Lời hịch ấy của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ góp phần thức tỉnh
tâm can, lay động lòng người, vì thế đã quy tụ, lôi cuốn được muôn dân đồng tâm
hiệp lực thành một sức mạnh phi thường để đánh tan 29 vạn quân xâm lược Thanh
trong mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, làm nên một trận đại thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lẫy lừng
trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, từ buổi bình
minh của lịch sử, qua thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc và đến thời kỳ phong kiến
vừa độc lập, vừa đấu tranh giành lại chủ quyền lãnh thổ của đất nước, dân tộc
ta, người Việt ta ngày càng ý thức, nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn về giá trị bất
biến của văn hóa dân tộc, từ đó không ngừng tìm ra những cách thức, biện pháp
sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử để cương quyết
giữ gìn, bảo vệ bằng được những giá trị phong tục, tập quán, truyền thống văn
hóa do chính mình tạo dựng, bồi đắp nên. Đây là cơ sở, là tiền đề quan trọng
hàng đầu để nước Việt có thể vượt qua mọi phong ba bão táp của thời cuộc, vượt
qua mọi sự thử thách khốc liệt của chiến tranh để tiếp tục sinh tồn, tiếp tục
khẳng định dân tộc Việt Nam có đủ tư cách là một quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ và có nền văn hóa lâu đời đã sinh sôi, nảy nở tốt tươi trên chính mảnh
đất thiêng liêng ấy.
Nguồn: www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét