Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO KHÔNG PHẢI CỨ PHẢI DÙNG ĐẾN MÁY BAY, TÀU CHIẾN…

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập và chủ quyền biên giới trên không, bộ, biển. Đặc biệt, như chúng ta đều biết, từ năm 1947 cho đến nay, Trung Quốc với âm mưu bành trướng, bá quyền, thâu tóm biển Đông từ lâu đã nhiều lần ngông cuồng xâm phạm chủ quyền, gia tăng căng thẳng trên biển Đông, trong đó có cả khu vực thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam. Và chắc chắn, họ sẽ tiếp tục còn giở nhiều chiêu trò khác để nhằm đạt được mục đích họ đã đề ra về “Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” hoang tưởng.

Trước những vấn đề trên, đã có rất nhiều quan điểm trái chiều, thậm chí, trên các trang mạng xã hội, một số người còn tỏ ra vô cùng bức xúc, căm giận mà đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta mua sắm trang bị hiện đại cho hải quân, không quân, tên lửa bờ… nhưng lại để cho Trung Quốc xâm phạm chủ quyền mà không ra tay trấn áp kẻ thù?”, hay tại sao Philippin dám đâm đơn lên Tòa án Quốc tế kiện Trung Quốc để đòi lại chủ quyền biển đảo, ta lại không có hành động gì? Rồi những kẻ phản động, thế lực thù địch còn tung nhưng tin thất thiệt, nhưng thông tin xuyên tạc, nói xấu, đồn nhảm, sai sự thật cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam hèn nhác, hạ mình nhìn biển đảo Tổ quốc bị Trung Quốc chiếm đóng…

Xét về mặt tích cực, những câu hỏi của một số người dân Việt Nam như vậy xuất phát từ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của mình, một truyền thống quý báu của dân tộc ta, dù cho có thể hiện bằng cách này hay cách khác. Nhưng dưới góc độ quan điểm của những kẻ cơ hội chính trị, đám con rối làm tay sai cho ngoại bang thì đó chẳng khác nào một lời kích động, bôi nhọ uy tín của Nhà nước và lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vậy tại sao Đảng, Nhà nước ta lựa chọn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng con đường hòa bình, kiên trì, lâu dài trên cơ sở thượng tôn pháp luật và các điều ước quốc tế.

Trước hết, những đau thương mất mát từ bài học của các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược đã dạy cho chúng ta hiểu rất rõ nỗi đau xót của chiến tranh loạn lạc, của bom rơi máu đổ, vậy nên chẳng ai mong muốn chiến tranh xảy ra, đặc biệt là lãnh đạo đất nước chúng ta.

Cho nên, trước âm mưu bành trướng, muốn nuốt chửng Việt Nam của người láng giềng to xác, chúng ta không thể nướng sức người, sức của, tính mạng của đồng chí, đồng bào ta vào chiến đấu với những thế lực không cân sức ấy.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh”, tăng cường hợp tác quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Và cũng cần xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, không thể nóng vội, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm phức tạp thêm tình hình, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Đặc biệt, phải hiểu rằng hiện nay, Trung Quốc chỉ cần một cái cớ hợp lý để phát động cỗ máy chiến tranh nuốt gọn biển Đông mà dư luận quốc tế khó lên tiếng kết tội Trung Quốc là xâm lược hay phát xít, giống như Mỹ đã làm với chúng ta từ sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964. Cái cớ ấy sẽ biến kẻ xâm lược, ăn cướp thành kẻ tự vệ. Bởi vậy, chúng ta không phải không đấu tranh mà là chúng ta đang đấu tranh trong khôn khéo và trí tuệ. Đó mới là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, chứ không phải cứ dùng đến máy bay, tên lửa, tàu chiến…là bảo vệ được./.

2 nhận xét:

  1. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chúng ta phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế

    Trả lờiXóa