Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV: RẤT CẦN SỰ SÁNG SUỐT CỦA CỬ TRI!

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, vừa ký Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Danh sách gồm có 868 người ứng cử tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong danh sách này, có những con số rất đáng chú ý, như người ứng cử là phụ nữ có 393 người, tỉ lệ 45,28%; người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 185 người, tỉ lệ 21,31%; người ứng cử là người ngoài Đảng có 74 người, tỉ lệ 8,53%; người ứng cử có trình độ trên đại học là 564 người, tỉ lệ 64,98%; người ứng cử có trình độ đại học là 294 người, tỉ lệ 33,87%; người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử là 205 người, tỉ lệ 23,62%; người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 224 người, tỉ lệ 25,81%. Độ tuổi bình quân (tính trung bình trong 868 người ứng cử) là 46 tuổi (người cao tuổi nhất là 77 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 24 tuổi). Có 203 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương…

Nhìn chung, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đều đã được các hội nghị hiệp thương và cư tri ở nơi công tác, nơi cư trú chọn lựa kỹ càng. Nhiều ứng cử viên có trình độ học vấn cao, có thâm niên công tác ở nhiều lĩnh vực, đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp… Tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ khá cao, điều đó cho thấy có sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ cũng như sự tích cực tham gia các hoạt động chính trị của phụ nữ trong cả nước.

Theo phân bổ ở các đơn vị bầu cử, phần đông các đơn vị bầu cử có 5 người ứng cử để bầu lấy 3 đại biểu, tức có số dư là 66,7%; một số đơn vị bầu cử có 4 người ứng cử để bầu lấy 2 đại biểu, tức có số dư 100%. Tính chung, số dư của tổng số người ứng cử trong cả nước so với số cần bầu là 73,6%. Ở đại hội đảng các cấp, khi bầu ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra…, thì số dư phải từ 10% trở lên nhưng không quá 30%. Như vậy, số dư trong bầu cử đại biểu Quốc hội vượt xa số dư trong bầu cử ở đại hội đảng các cấp, tức là có “tỷ lệ chọi” cao hơn hẳn.

Trước giờ, trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, những người có thành kiến với chế độ thường có những ý kiến bài xích, xuyên tạc thực tế. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng “nhìn việc phân bổ các ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử thì biết được người nào được cho trúng cử, người nào phải rớt”. Đây là ý kiến hết sức lệch lạc và không phù hợp với thực tế. Việc phân bổ các ứng cử viên ở các đơn vị bầu cử là việc bình thường để có thể bảo đảm cơ cấu đại biểu trúng cử theo dự kiến. Chẳng hạn, trong số đại biểu Quốc hội cần có một số nhất định các đại biểu đại diện cho các ngành, các giới, các lĩnh vực… thì không thể nào xếp các ứng cử viên ở cùng ngành, cùng giới, cùng lĩnh vực vào một đơn vị bầu cử, vì như vậy sẽ buộc phải loại trừ một số ứng cử viên.

Mặt khác, bên cạnh các ứng cử viên tại địa phương, còn có nhiều ứng cử viên ở Trung ương giới thiệu, khi phân bổ phải bảo đảm hài hòa giữa các nhóm ứng cử viên này, để góp phần bảo đảm có đủ đại diện và tiếng nói của các dân tộc, các giới, các lĩnh vực, Trung ương và địa phương… Thí dụ, tại TP.HCM có 50 người ứng cử ở 10 đơn vị bầu cử để bầu lấy 30 đại biểu Quốc hội, trong đó có 13 người ứng cử do Trung ương giới thiệu và 37 người do thành phố giới thiệu; 13 người ứng cử do Trung ương giới thiệu phải được phân bổ ở cả 10 đơn vị bầu cử, không thể tập trung ở một vài đơn vị.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng “trong danh sách ứng cử viên tại từng đơn vị bầu cử, thường có hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ” nhằm tạo điều kiện cho một số người trúng cử”. Đây là ý kiến xuyên tạc thực tế và hoàn toàn trái với nguyên tắc bình đẳng giữa các ứng cử viên theo quy định về bầu cử hiện nay ở nước ta.

Về yêu cầu bình đẳng, các ứng cử viên được thể hiện chương trình hành động, được giới thiệu tiểu sử, được vận động bầu cử trên các phương tiện truyền thông là như nhau, không phân biệt giữa bất kỳ các ứng cử viên với nhau. Từ nay đến ngày bầu cử, ngày 23-5-2021, tất cả các ứng cử viên có hơn 3 tuần vận động và phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về vận động bầu cử, như cấm lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Việc sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri là hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định rõ, kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước. Như vậy, giả sử có ứng cử viên là người có điều kiện về vật chất thì người đó cũng không được dùng tiền riêng của mình để lôi kéo cử tri, dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, pháp luật nước ta cũng nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình…

Điểm đáng chú ý nữa là ở Việt Nam không có khái niệm “vận động tranh cử” (mà chỉ có vận động bầu cử), tức là không có việc “tranh cử”. Quy định này sẽ giúp tất cả các ứng cử viên bình đẳng với nhau, không tạo ra sự khác biệt giữa ứng cử viên giữ chức vụ cao, có quan hệ xã hội rộng rãi, có khả năng tác động đến các cơ quan truyền thông để được “đánh bóng tên tuổi”, có điều kiện về vật chất để “tích cực tham gia” các hoạt động từ thiện ở khu vực mình cứng cử… với các ứng viên khác. Không có “tranh cử” cũng có nghĩa là không phê phán, công kích lẫn nhau, tạo ra hình ảnh xấu trong mắt cử tri.

Trên thực tế, trong việc phân bổ ứng cử viên về các đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở hầu hết các địa phương đều cho thấy sự tương đồng giữa các ứng cử viên, tức là ở đơn vị đó, các ứng cử viên đều có cơ hội ngang nhau. Chẳng hạn, tại đơn vị bầu cử số 1 của Ủy ban Bầu cử TP.HCM (ở thành phố Thủ Đức), số ứng cử viên là 5 người để bầu lấy 3 đại biểu, thì đều là những người có năng lực được thể hiện qua công tác thực tiễn, đang giữ những nhiệm vụ quan trọng ở lĩnh vực mình công tác, nên gần như rất khó dự đoán được ai sẽ là người trúng cử, vì vậy hoàn toàn không có chuyện ai là “quân xanh”, ai là “quân đỏ”. Các ứng cử viên gồm: ông Lê Viết Hải (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Chủ tịch Hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; thành viên Ban Chấp hành phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)), ông Phan Nguyễn Như Khuê (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM), ông Vũ Hải Quân (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM), ông Nguyễn Thanh Sang (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM; Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM), ông Nguyễn Anh Tuấn (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Đoàn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia).

Tương tự như vậy, ở các đơn vị bầu cử khác ở TP.HCM cũng như ở nhiều địa phương khác, các ứng cử viên cũng đều ngang sức ngang tài, là đại diện tiêu biểu ở lĩnh vực mà họ đang công tác, hoặc có ứng cử viên trội về mặt này thì ứng cử viên khác lại trội về mặt kia…

Từ thực tế đó, rất cần sự sáng suốt, trách nhiệm của cử tri để chọn cho được “mặt” tiêu biểu có thể “gửi vàng”. Các cứ tri cần tham gia các hội nghị ở nơi cư trú để mạn đàm tiểu sử và nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, đồng thời ghi nhận các hoạt động, các đóng góp của họ trong thực tế để có thể chọn lựa được người thật sự xứng đáng không chỉ đại diện cho mình, cho địa phương mình mà còn cho nhân dân cả nước ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đó là Quốc hội.

2 nhận xét:

  1. Mọi người dân hãy mang hết tinh thần trách nhiệm để bầu được những người có đức, có tài vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam không có “tranh cử” cũng có nghĩa là không phê phán, công kích lẫn nhau, tạo ra hình ảnh xấu trong mắt cử tri.

    Trả lờiXóa