Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

VAI TRÒ ĐẶC BIỆT CỦA HỒ CHỦ TỊCH TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954) là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là tầm nhìn, nhãn quan chiến lược tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chính trị họp thông qua phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày. Nghe xong phương án tác chiến, Bác nhắc lại tinh thần nghị quyết đầu năm của Trung ương Đảng. Bác nhấn mạnh, phương châm chung của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, vì vậy, không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Phải thực hiện đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh; chỉ được đánh thắng, không được đánh không thắng. Sau đó, Người giơ bàn tay phải lên, nắm lại, xòe ra nhiều lần, rồi phân tích: Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch phải chia ra làm 5, làm 7 mảng mà tiêu diệt dần, đặng làm cho chúng thất bại hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc hội nghị bằng một ý kiến, đại ý: Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại Đồng bằng Bắc Bộ. Cần đề phòng địch đánh ra vùng tự do ở những nơi đang tiến hành cải cách ruộng đất. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi, "phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa".

Ngày 6-12-1953, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, sau khi nghe nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân 1953-1954 và thống nhất cách đánh giá, đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, coi đây là đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được". Trong cuộc họp, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những phân tích, đánh giá sắc sảo, thống nhất nhận định: Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, rất xa hậu phương của địch, mọi tiếp tế, vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng xa hậu phương lớn, vì vậy, khó khăn lớn nhất cũng là vấn đề cung cấp. Mặc dù vậy, chúng ta có thể khắc phục dễ hơn kẻ địch, vì hậu phương của ta đang chuyển mình trong cuộc cải cách ruộng đất, Quân đội ta cũng đã trưởng thành sau các chiến dịch lớn…

Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để phân công, giao nhiệm vụ cho cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Lúc giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người dặn: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đây vừa là lời dặn dò nhưng cũng là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh. Từ tư tưởng chỉ đạo này, quá trình chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo các binh chủng chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tùy điều kiện cụ thể mà sử dụng binh lực tiêu diệt, tự giải quyết hậu cần.

Ngoài việc phán đoán, nhận định tình hình, linh hoạt trong giao nhiệm vụ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện khả năng tuyệt vời về công tác động viên, cổ vũ bộ đội. Tháng 3-1954, trong "Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.

Đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, pháo binh của ta đã bắn dồn dập vào khu sân bay Mường Thanh và cụm cứ điểm Him Lam, mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay sau khi tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch, ngày 15-3, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trước sự chỉ đạo sát sao cùng sự động viên, cổ vũ kịp thời của Trung ương Đảng và Bác Hồ, các lực lượng tham gia chiến dịch đã nỗ lực khắc phục khó khăn, liên tục giành những thắng lợi quan trọng và kết thúc chiến dịch vào ngày 7-5-1954.

2 nhận xét:

  1. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 không những là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới

    Trả lờiXóa
  2. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954) là sự hội tụ của nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là tầm nhìn, nhãn quan chiến lược tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa