Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

QUY LUẬT GIÁ TRỊ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở VIỆT NAM

Những năm trước 1986, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, quy luật giá trị được áp dụng theo nhiều cách khác nhau phù hợp đặc điểm của từng thời kì.  Nhà nước điều khiển nền kinh tế bằng hệ thống pháp lệnh về số lượng, về thu nhập, về nộp ngân sách , về vốn và lãi suất tín dụng … Giá cả do Nhà nước quyết định. Thực chất cũng là một chỉ tiêu pháp lệnh mà giá cả lại là biểu hiện của quy luật giá trị. Chính vì vậy có thể nói trong thời kỳ này quy luật giá trị được áp dụng một cách cứng nhắc, áp đặt vào nền kinh tế thông qua việc định giá theo những chỉ tiêu có sẵn mà không để ý đến thực trạng của nền kinh tế Việt Nam.
      Từ năm 1986 đến nay, nước ta đã có hàng loạt những cuộc cải cách nhằm đưa nền kinh tế phát triển theo một hướng mới. Đảng ta đã thẳng thắn nhận biết và phê phán những sai lầm trong những chính sách kinh tế thời kì trước đây. Việc đổi mới này đã bắt đầu tạo lập nền móng cho sự chuyển biến từ tư duy giá cả phi thị trường đến tư duy giá cả thị trường. Nó đã tiến hành điều chỉnh giá để kích thích sản xuất, tiến tới cải cách toàn bộ hệ thống giá của Nhà nước theo hướng làm cho giá cả phản ánh đầy đủ chi phí hợp lý về sản xuất và lưu thông, đảm bảo cho người sản xuất thu được lợi nhuận thỏa đáng. Tiếp tục xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế, nỗ lực phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh vừa hợp tác bổ sung cho nhau trong nền kinh tế quốc dân. Để thực hiện được điều đó Đảng ta quyết định khẩn trương sắp xếp lại và đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh, phát triển có hiệu quả và nắm những lĩnh vực, ngành then chốt để phát huy hiệu quả trong nền kinh tế. Tiếp tục đổi mới và kiện toàn kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, phát huy và kết hợp hài hòa sức mạnh của tập thể và xã viên.
Bên cạnh đó kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực sản xuất theo sự quản lý của Nhà nước. Hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản Nhà nước dưới nhiều hình thức. Từng bước hình thành, mở rộng đồng bộ các thị trường hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, dịch vụ…tiếp tục đổi mới và hoàn thiện công cụ quản lý vĩ mô trọng yếu của Nhà nước. Xây dựng các chính sách tài chính quốc gia và thực hiện cải cách cơ bản tài chính Nhà nước theo hướng thúc đẩy khai thác tiềm năng tự nhiên của các tầng lớp nhân dân, vừa tích tụ vốn ở đơn vị kinh tế vừa đảm bảo nguồn vốn tập trung của Nhà nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét