Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Cơ sở lý luận và thực tiễn vạch trần sự phi lý của quan điểm đòi “phi chính trị hóa quân đội, công an”

Trước hết, cần bắt đầu từ luận điểm “Chiến tranh sự kế tục của chính trị mà quân đội xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh (tiến công hoặc phòng ngự). Đây là luận điểm được Claudơvit (1780-1831) - nhà lý luận quân sự tư sản nổi tiếng của nước Phổ. Luận điểm này được thừa nhận rộng rãi trong cả khoa học quân sự tư sản lẫn khoa học quân sự vô sản, nên không thể bác bỏ. Chính V.I. Lênin cũng đánh giá cao luận điểm này. Một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “không dính đến chính trị”, bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, phản ảnh lập trường chính trị của các bên tham chiến; và quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó của cuộc chiến tranh.
Thứ hai, quân đội và công an bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó; bởi quân đội và công an là những thành phần của nhà nước, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được qua các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Lịch sử xuất hiện quân đội và công an gắn liền với sự ra đi của nhà nước; mà nhà nước là sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp, nên bất cứ nhà nước nào cũng có tính chất giai cấp. Theo đó, quân đội và công an, với tư cách là các cơ quan chức năng của nhà nước, được lập ra để bảo vệ thể chế chính trị của giai cấp cầm quyền, không thể không mang bản chất giai cấp của nhà nước đã tổ chức, quản lý và nuôi dưỡng chúng. Những người cổ súy cho quan điểm “cần phi chính trị hóa quân đội, công an đã không hiểu, hay cố tình không hiểu rằng: nói đến “chính trị” của một tổ chức, một lực lượng, là nói đến tính giai cấp mà tổ chức, lực lượng đó quán triệt và thực hiện trong thực tiễn xây dựng về mặt tư tưởng, tổ chức và thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, thực tiễn trên thế giới cho thấy: không có quân đội của quốc gia nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị” bởi đây là công cụ bạo lực vũ trang bảo vệ thể chế chính trị của lực lượng chính trị thắng thế cầm quyền duy trì. Không khó để nhận thấy sự tham chính của quân đội nhiều nước, khi người ta vẫn chứng kiến các vụ đảo chính quân sự ở nước này, nước khác, nhất là ở châu Á, châu Phi trong những năm gần đây.
Cũng cần thấy rằng, ở các nền chính trị có cấu trúc đa đảng đối lập, bất cứ đảng chính trị nào khi cầm quyền cũng tìm mọi cách để nắm quân đội và công an; bởi khi nắm được quân đội và công an, thì việc duy trì quyền lực của đảng đó sẽ thuận lợi hơn. Tuy vậy, khi mà sự tranh giành quyền lực giữa các đảng chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị, thì thường xuất hiện lời kêu gọi “quân đội đứng trung lập về chính trị”, nhưng trong thực tế, các đảng đều tìm sự hậu thuẫn từ quân đội.
Thứ tư, nhìn vào thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, có thể thấy: Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và giáo dục để giành và giữ chính quyền cách mạng; nên bản thân nó đã là một lực lượng chính trị. Hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chứng minh rõ một thực tiễn lịch sử là: Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của Quân đội với mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì thế, trái với sự hô hào “quân đội phải đứng ngoài chính trị”, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện chiến đấu thắng lợi. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải chăm lo xây dựng Quân đội vững về chính trị.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta là một thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của bài học đó.
Chống âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị là hai mặt của quá trình xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nó đòi hỏi phải vạch trần sự phi lý và thực chất quan điểm đòi “Lực lượng vũ trang duy trì tính trung lập về chính trị”; đồng thời, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách, mà then chốt là xây dựng Đảng bộ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự nỗ lực của bản thân Quân đội nhân dân và Công an nhân dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét