Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM SAI TRÁI: “VIỆT NAM LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ SAI LẦM LỊCH SỬ; NHÀ NƯỚC NÀO, CHẾ ĐỘ NÀO CŨNG ĐƯỢC MIỄN LÀ DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH”

(Tiếp)
Thứ ba, Việt Nam lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lựa chọn chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phù hợp với điều kiện, khả năng, thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa không phải xuất phát từ sự áp đặt chủ quan mà đây là tổng hợp điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị, trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc. Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cũng là sự lựa chọn của chính lịch sử từ hơn 87 năm về trước. Năm 1930, khi những con đường cứu nước theo khuynh hướng tư sản, tiểu tư sản đều thất bại, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đặt nền móng cho con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam châu Á. Với đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1986, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đứng trước nguy cơ tan rã và khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài, Ðảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, tạo một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản bộ mặt đất nước, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Có thể khẳng định rằng các sự kiện trong những năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, tạo thành sợi dây lôgíc - lịch sử của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Dù trong hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi hay khó khăn, kể cả khi trong tình thế “hiểm nghèo”, Ðảng ta vẫn không rời xa mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.  Lịch sử cận đại và hiện đại nước ta đã khẳng định, con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay do Ðảng Cộng sản chân chính lãnh đạo tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội. Ðộc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, có như vậy độc lập dân tộc mới triệt để. Độc lập dân tộc tức là chống áp bức, bóc lột, mà muốn chống áp bức, bóc lột triệt để phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Với một dân tộc mà quá trình dựng nước luôn đi đôi giữ nước, đã hi sinh biết bao thế hệ, đã đánh đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu mới giành được độc lập dân tộc, hơn ai hết, mỗi con người Việt Nam hiểu rõ được giá trị của độc lập, tự do. Tư bản chủ nghĩa là con đường đầy rẫy khuyết tật, là chế độ xã hội mà “máu và bùn nhơ rỉ ra từ tất cả các lỗ chân lông” (3), chúng ta không thể lựa chọn con đường đó. Hiện nay, khi đã giành được độc lập dân tộc, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - một Ðảng mácxít – lêninnít chân chính, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đất nước hòa bình, ổn định; trên thế giới, “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn” (4) – đó là nguồn nội và ngoại lực quan trọng để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ tư, Việt Nam lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lựa chọn chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại hiện nay.
Thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới, được mở đầu bằng sự thắng lợi của cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga 1917 và kết thúc khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc... Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tớ chủ nghĩa xã hội” (5). Sau sự sự đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu, bọn cơ hội, phản động ra sức rêu rao về “sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa xã hội đã bị chôn vùi một lần cho mãi mãi dưới bức tường Beclin đổ nát”… Thực ra, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội không phù hợp – mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp. Chủ nghĩa xã hội với những phẩm giá tốt đẹp vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới; những giá trị cao cả của nó vẫn trường tồn trong đời sống nhân loại. Sau “trận động đất chính trị” đó, các nước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, một số nước tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn (đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc); phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từng bước được phục hồi; phong trào “cánh tả” ở Tây Âu và có bước phát triển mới, phong trào “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” nổi lên ở nhiều nước Mỹ La-tinh... chứng minh sức sống của chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, chủ nghĩa tư bản là một chế độ xã hội đã lỗi thời về mặt lịch sử, song vẫn còn tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội. Tuy vậy, những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa - được biểu hiện thành mâu thuẫn giữa tư bản và lao động - chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc... Chủ nghĩa tư bản trong quá trình tồn tại của mình đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và suy thoái, gây ra nhiều tội ác cho loài người (chiến tranh, khủng bố, phân biệt chủng tộc...). Ðặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sau cuộc khủng hoảng nợ công (2010), chủ nghĩa tư bản đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối: sự chia rẽ trong nội bộ EU dẫn tới Brexit, cuộc khủng hoảng làn sóng người di cư tại Châu Âu, sự sa lầy trong các cuộc can dự vũ trang ở Trung Đông, Bắc Phi... Chủ nghĩa tư bản hiện đại về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công, nó không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản, vốn có của nó. Muốn giải quyết được mâu thuẫn đó, phải thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn, nhân văn hơn – đó là chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, với góc độ tiếp cận toàn diện về lôgíc – lịch sử, lý luận – thực tiễn, xu thế thời đại, vận hội – thách thức của dân tộc, luận điểm “Việt Nam lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sai lầm lịch sử; nhà nước nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh” hoàn toàn phi lịch sử, mơ hồ và sai trái. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng chế độ chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp xu hướng phát triển khách quan của lịch sử và các giá trị nhân văn cao đẹp của nhân loại. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, toàn đảng, toàn dân và toàn quân phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, xây dựng thành công xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét