Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - từ lý luận của chủ nghĩa Mác đến chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga và trên thế giới

           Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm trù cơ bản nhất của chủ nghĩa xã hội khoa học. Việc phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một trong những cống hiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã được hiện thực hoá một cách sinh động trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đó là Cách mạng Tháng Mười Nga. Tuy nhiên, kẻ thù của giai cấp công nhân, của chủ nghĩa Mác lại không chấp nhận những giá trị khoa học và sự thật lịch sử đó. Song, lịch sử thế giới trong một thế kỷ qua đã chứng minh một cách hùng hồn những giá trị bền vững của học thuyết ấy.
             Theo tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, giai cấp công nhân là sản phẩm của nền đại công nghiệp, của nền sản xuất xã hội hoá ngày càng cao. Họ đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, có tinh thần cách mạng triệt để, tính tổ chức, kỷ luật và tinh thần quốc tế vô sản. Địa vị kinh tế - xã hội và những đặc điểm chính trị - xã hội nảy sinh từ địa vị đó làm cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp tiên phong cách mạng, một lực lượng chính trị độc lập có sứ mệnh lịch sử là xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh.
            Quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân phải trải qua hai giai đoạn cơ bản. Trước hết, giai cấp công nhân thông qua đảng tiền phong của mình, lãnh đạo và tổ chức đấu tranh giành chính quyền về tay mình và nhân dân lao động, xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa (và các chế độ tư hữu, áp bức bóc lột), xóa bỏ giai cấp tư sản (và các giai cấp bóc lột). Tiếp đó, phải đấu tranh xoá bỏ sự phân biệt giai cấp và đối kháng giai cấp; lãnh đạo, tổ chức thực hiện quá trình củng cố, bảo vệ chính quyền, bảo vệ đất nước; đồng thời tổ chức xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng...
            Để thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải trưởng thành về số lượng, chất lượng và sự đoàn kết giai cấp; ngày càng giác ngộ về giai cấp mình, về cách mạng xã hội chủ nghĩa thông qua việc nhận thức những nguyên lý của chủ nghĩa Mác; phải tổ chức được chính đảng tiên phong của mình vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Giai cấp công nhân chính đảng của minh phải trở thành ngọn cờ trung tâm của đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”[1].
            Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trung tâm cách mạng thế giới chuyển từ Tây Âu sang nước Nga, nơi hội tụ những mâu thuẫn nóng bỏng của dân tộc và thời đại. Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, giai cấp công nhân Nga đã nêu cao ngọn cờ cách mạng, tổ chức và lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917, giành chính quyền về tay nhân dân. Công nhân và nông dân Nga đã làm chủ các Xôviết. Sắc lệnh hoà bìnhSắc lệnh ruộng đất được ban hành. Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga được công bố. Những vấn đề cấp bách của nước Nga trước cách mạng đã được giải quyết. Một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc không phải thuộc Nga được giải phóng, đứng lên làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh của mình. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga và mô hình chủ nghĩa xã hội Xôviết đã trở thành động lực cách mạng, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cổ vũ lớn lao cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sau khi giành được chính quyền cách mạng, giai cấp công nhân Nga và Đảng Cộng sản phải tiếp tục nhiệm vụ tổ chức và xây dựng chế độ xã hội mới. V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích cùng toàn thể giai cấp công nông Nga đã kiên cường đứng vững, từng bước đánh bại thù trong, giặc ngoài. Nước Nga Xôviết nhanh chóng khắc phục tình trạng suy sụp kinh tế sau chiến tranh, từng bước củng cố bộ máy chính quyền Xôviết từ trung ương tới địa phương, xây dựng nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản.
              Từ sau 1917 đến giữa thế kỷ XX, Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất trên thế giới kiên trì đi theo con đường cách mạng của mình, giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản. Tận dụng tất cả những nội lực sẵn có, kể cả học hỏi từ chủ nghĩa tư bản, Liên Xô đã đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá đất nước, nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế, kỹ thuật, để sau đó, là lực lượng chủ lực trong Chiến tranh thế giới thứ hai, giải phóng hàng loạt các nước khỏi hoạ phátxít, mở ra một thời kỳ mới của nhân loại. Ngọn cờ lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười tiếp tục cổ vũ các dân tộc khác trên thế giới lựa chọn con đường phi tư bản chủ nghĩa, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau năm 1945, hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa khác tuyên bố thành lập, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản. Một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới được hình thành và trở thành đối trọng của chủ nghĩa tư bản. Sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa, sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, cùng với phong trào giải phóng dân tộc dâng lên mạnh mẽ đã góp phần quyết định vào việc xoá bỏ chủ nghĩa thực dân, giành quyền độc lập của hàng trăm quốc gia dân tộc ở khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không chỉ từng bước đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên làm chủ xã hội, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh cho quyền tự do, dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa và trên toàn thế giới. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản cũng đẩy mạnh đấu tranh buộc chính quyền tư sản phải nhượng bộ và chấp nhận thực tế nhiều yêu sách đó.
             Như vậy, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, từ lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen, qua khảo nghiệm thực tiễn bởi Cách mạng Pháp, Cách mạng Đức và các nước tư bản Tây Âu, đã được bổ sung, phát triển và hiện thực hoá sinh động bởi Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng như phong trào cộng sản, công nhân thế giới suốt hơn nửa thế kỷ sau đó. Cuộc cách mạng vĩ đại đó chứng minh một sự thật không thể bác bỏ, chỉ có giai cấp vô sản, có sự gắn bó lợi ích chặt chẽ với quần chúng nhân dân, được tổ chức và lãnh đạo bởi một đảng cộng sản chân chính, biết nắm bắt thời cơ, dũng cảm và kiên quyết tiến hành đấu tranh với cả kẻ thù cũng như các khuynh hướng phản cách mạng mới có thể đưa cách mạng tới thành công.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2005, tr. 393.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét