Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

SỨ MỆNH LỊCH SỬ THẾ GIỚI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN HIỆN NAY TỪ GIÁ TRỊ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

         Một trăm năm đã trôi qua, Cách mạng tháng Mười Nga đã định vị dòng chảy của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX và cả thế kỷ XXI. 100 năm qua, từ khi giai cấp vô sản Nga giành được chính quyền ở nước Nga Xôviết, chưa một giây phút nào, giai cấp vô sản Nga cũng như phong trào công nhân, cộng sản nhiều quốc gia trên thế giới không phải chịu sự tấn công, phá hoại của kẻ thù với nhiều mức độ, hình thức khác nhau.
         Chế độ tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên tinh vi hơn, bản chất bóc lột và bần cùng hoá người lao động ngày càng tồi tệ hơn, tình trạng “loại trừ xã hội”, lợi dụng tối đa lao động nhập cư, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất công xã hội, khủng bố, buôn bán vũ khí, ma tuý, bạo lực, buôn người… ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm và khó kiểm soát. Chủ nghĩa tư bản đã và đang thực hiện hàng loạt những điều chỉnh, cả về quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối sản phẩm xã hội, cả về cách thức tổ chức đời sống kinh tế cũng như đời sống chính trị xã hội.
         Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất xã hội, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những thay đổi ngày càng lớn trong sản xuất và đời sống. Giai cấp công nhân vì thế cũng biến đổi nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Số lượng giai cấp công nhân ngày càng tăng, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề ngày một cao để đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất công nghiệp ngày càng hiện đại hoá.
          Như vậy, giai cấp công nhân không hề “bị mất đi” mà từ bản chất và địa vị kinh tế - xã hội của nó, xét cả số lượng và chất lượng, cả trong những ngành công nghiệp truyền thống hay trong các ngành kỹ thuật, công nghệ mới, vẫn là phạm trù xã hội ổn định, là lực lượng đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cho xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Đối kháng về lợi ích giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản vì thế vẫn không thay đổi. Giai cấp công nhân vẫn là giai cấp có sứ mệnh lịch sử phá bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập một quan hệ sản xuất mới phù hợp với trình độ và tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất. Sự khủng hoảng, thoái trào của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, của chủ nghĩa xã hội hiện thực chỉ là bước lùi tạm thời, là khủng hoảng của sự phát triển. Cách mạng xã hội chủ nghĩa, được khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Mười Nga, vẫn không mất đi cơ sở khách quan của nó mà trái lại, ngày một trở nên cần thiết hơn.
            Ở các nước mà giai cấp công nhân và đảng cộng sản đã nắm được chính quyền cách mạng như Việt Nam hay Cu Ba, giai cấp công nhân cần tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trở thành nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững và phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo cách mạng thông qua đảng cộng sản, từng bước thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, góp phần tích cực vào xây dựng, củng cố quan hệ đoàn kết với giai cấp công nhân, đảng cộng sản ở các nước khác trên tinh thần quốc tế vô sản cho phù hợp với điều kiện mới.
           Trên cơ sở nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và những giá trị của Cách mạng Tháng Mười, sự trung thành và sáng tạo, đạo đức và trí tuệ, kiên trì và tỉnh táo, quyết liệt và bản lĩnh, nhạy bén với những đổi thay của thời cuộc, giai cấp công nhân và chính đảng của nó cần tiếp tục học hỏi từ kinh nghiệm thành công và thất bại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế để thúc đẩy phong trào cách mạng thuận theo xu hướng khách quan của lịch sử./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét