Sự
sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990
không bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin, mà trái lại, có nguyên nhân sâu xa và
trực tiếp từ những sai lầm và vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý cơ bản của chủ
nghĩa Mác – Lênin trên cả hai khía cạnh: máy móc, giáo điều và bóp méo, xuyên tạc.
Hơn thế nữa, thực tiễn thế giới những năm tháng sau những biến cố lịch sử đó đã
chứng tỏ, chân lý vẫn thuộc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tiếp tục khẳng định những
giá trị đích thực, cũng như sức sống mãnh liệt của học thuyết cách mạng vĩ đại
này.
Thành công của công cuộc cải cách ở hàng loạt các nước do Đảng cộng sản lãnh đạo
lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, như Đổi mới ở Việt Nam, cải
cách mở cửa ở Trung Quốc, cải cách kinh tế ở Lào, kết quả bước đầu của chính
sách “cập nhật hóa mô hình kinh tế” ở Cuba,… đưa các nước này không
chỉ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đập tan mọi
âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, mà còn tạo được những bước
đột phá phát triển, cải thiện đời sống Nhân dân, là những bằng chứng rõ ràng về
sự hồi sinh của chủ nghĩa Mác – Lênin. Cốt lõi của những thành công này là việc
kết hợp hài hòa các quy luật của kinh tế thị trường với các nguyên lý của chủ
nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc
XHCN với mở cửa và hội nhập quốc tế, giữa việc củng cố và nâng cao vai trò lãnh
đạo, năng lực cầm quyền của Đảng cộng sản với việc xây dựng nhà nước pháp quyền
và dân chủ hóa xã hội. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện
thực tiễn mới không phải là việc tân trang, cắt xén hay sửa đổi tùy tiện hệ thống
lý luận này, mà là việc đổi mới nhận thức, tư duy lại một cách thấu đáo các
nguyên lý Marxit – Lêninnit trong tình hình mới, bổ sung và phát triển lý luận
lên ngang tầm thời đại bằng những tinh hoa tri thức mới của nhân loại cũng như
kinh nghiệm thực tiễn mới từ cuộc sống.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ trong khoảng hai thập niên qua của phong trào cánh tả ở nhiều
nước Mỹ Latin trong điều kiện o bế gắt gao của các thế lực tư bản và đế quốc,
là bằng chứng sống động về sự bền bỉ của lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Có thể ở
đây người ta không nói nhiều đến chủ nghĩa Mác – Lênin, về cách mạng vô sản hay
vai trò của Đảng cộng sản, nhưng các quan điểm cánh tả và xã hội chủ nghĩa về độc
lập, tự do, công bằng, bình đẳng, chống áp bức, bóc lột, bất công, đói nghèo;
ưu tiên chăm lo sức khỏe, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội cho đông đảo người
lao động; không chấp nhận sự thống trị của thị trường, của tư bản và của giai cấp
tư sản đang chứng tỏ được sức lôi cuốn, ngày càng thẩm thấu sâu rộng vào nhận
thức của các tầng lớp nhân dân.
Cũng tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế
toàn cầu “trăm năm mới có một lần” nổ ra đầu tiên tại Mỹ và các nước
TBCN phát triển vào năm 2008 một lần nữa lại cho thấy sức mạnh khoa học phi thường
của học thuyết Mác – Lênin. Người ta lại tìm đọc những tác phẩm mà các nhà kinh
điển đã viết ra cách đây hàng trăm năm để tìm câu trả lời cho những vấn đề hiện
tại. Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ Michael Burawoy (2000) nhận xét, chủ
nghĩa Mác như chiếc boomerang – càng cố tình ném nó đi xa thì càng khiến nó mau
quay trở lại vì cốt lõi của học thuyết này chính là sự phê phán sâu sắc nhất về
CNTB. Còn học giả bảo thủ Robert Kagan (2008) phải thừa nhận “Kết thúc của
sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý mỉa mai những người đã “mừng hụt” gần
hai thập niên trước đây. Chủ nghĩa tư bản có thể chưa hết dư địa để phát triển,
nhưng không thể thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo do chính nó sinh ra.
Với tư cách là một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, học thuyết Mác –
Lênin vẫn không ngừng đổi mới và phát triển, còn với tư cách là nền tảng tư tưởng
và kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của những người vô sản, chủ nghĩa Mác –
Lênin đòi hỏi chúng ta phải luôn biết vận dụng sáng tạo để đi tới thành công./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét